5K Phòng Chống Hợp Đồng Bảo Hiểm Vô Hiệu – Mất Hiệu Lực

5K Phòng Chống Hợp Đồng Bảo Hiểm Vô Hiệu – Mất Hiệu Lực

Vi phạm quy tắc 5K trong bảo hiểm sẽ làm hợp đồng bảo hiểm vô hiệu hoặc mất hiệu lực. Bạn có muốn mua bảo hiểm mà không được chi trả? Vậy quy tắc 5K là gì?

Quy tắc 5K trong bảo hiểm” là do Trang tự nghĩ ra. Chứ bảo hiểm không có quy tắc 5K nào cả.

Đặt tên với mục đích câu view nhưng Trang hy vọng bạn sẽ ấn tượng mà nhớ quy tắc 5K trong bảo hiểm này. Bởi vì, nếu vi phạm một trong năm điều này, hợp đồng bảo hiểm của bạn có nguy cơ bị vô hiệu hoặc mất hiệu lực. Có nghĩa là doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không chi trả khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra.

Như vậy bạn mất công đóng phí bảo hiểm mà chưa chắc sẽ nhận được quyền lợi khi cần.

Quy tắc 5K trong bảo hiểm là gì…

…mà ghê gớm vậy?

  1. Kê khai trung thực, đầy đủ
  2. Ký trực tiếp / Không ký thay
  3. Kiểm tra hợp đồng thật kỹ
  4. Khai báo thay đổi
  5. Không quên đóng phí
quy tắc 5k trong bảo hiểm
Quy tắc 5K trong bảo hiểm giúp hợp đồng của bạn có hiệu lực.

K1: Kê khai trung thực, đầy đủ

Nguyên tắc trung thực tuyệt đối

Nguyên tắc tiên quyết của bảo hiểm là “nguyên tắc trung thực tuyệt đối“.

Nếu một trong hai bên giao kết hợp đồng vi phạm nguyên tắc này thì hợp đồng bảo hiểm sẽ vô hiệu ngay từ khi hợp đồng phát hành.

Nếu hợp đồng bảo hiểm vô hiệu thì nghĩa vụ và quyền lợi của các bên đều không phát sinh. Tức là nếu có xảy ra rủi ro như thỏa thuận trong hợp đồng thì bạn cũng sẽ không được chi trả.

Giờ thì bạn hiểu tại sao Trang đặt Kê khai trung thực đầy đủ làm K thứ nhất rồi đó.

quy tắc 5k trong bảo hiểm k1 1
Kê khai trung thực, đầy đủ để đảm bảo hợp đồng của bạn không bị vô hiệu.

Kê khai gì và như thế nào?

Kê khai đầy đủ và chính xác các thông tin được hỏi trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, đặc biệt chú ý các thông tin về sức khỏe.

Đọc kỹ câu hỏi và trả lời theo sự hiểu biết của mình.

Nên tránh các trường hợp sau:

  • Tự nhận định “Tôi khỏe lắm có làm sao đâu!” rồi câu hỏi nào cũng trả lời Không mà chưa kiểm tra thật kỹ.
  • Tự nhận định hoặc nghe ai đó nói “Bệnh này là bệnh nhẹ/ bệnh vặt/ bệnh thông thường, không cần khai” rồi không khai vào hồ sơ.
  • Nhớ không rõ tên bệnh rồi trả lời một cái tên mà mình nghĩ là đúng.
  • Đọc các chỉ số xét nghiệm và tự cho rằng như thế là bị bệnh này bệnh kia rồi đấy.

Tốt nhất là bạn nên tìm lại tất cả những hồ sơ khám bệnh và ghi đúng theo từ ngữ mà các bác sĩ đã ghi. Đôi khi có những bệnh chỉ sai khác 1 chữ đã thành 1 vấn đề hoàn toàn khác.

Nếu không tìm được hồ sơ thì bạn ghi là đã khám hoặc chữa bệnh liên quan đến bệnh ABC nhưng không nhớ chính xác. Sau đó, công ty bảo hiểm có thể sẽ yêu cầu bạn bổ sung hồ sơ khám mới nhất (bạn tự đi khám) hoặc yêu cầu bạn đi kiểm tra y tế (khám thẩm định) để làm rõ tình hình sức khỏe trước khi quyết định bảo hiểm.

5k phòng chồng hợp đồng bảo hiểm vô hiệu k1 2
Kê khai chính xác các thông tin về sức khỏe

Bạn lo sợ kê khai bệnh rồi sẽ bị từ chối bảo hiểm!

Sau khi thẩm định tình trạng sức khỏe của bạn, cùng với các yếu tố rủi ro khác như nghề nghiệp, tuổi tác, lối sống…, công ty bảo hiểm sẽ có văn bản thông báo chấp thuận hay từ chối bảo hiểm, nếu chấp thuận thì có áp dụng phí phụ trội hay loại trừ gì hay không.

Khi nhận được thư của nhà bảo hiểm, bạn có thể đồng ý hoặc không đồng ý với quyết định của công ty bảo hiểm. Trong một số trường hợp bạn có thể đi kiểm tra sức khỏe một lần nữa để có kết quả phản ánh đúng nhất tình trạng của bạn và yêu cầu công ty bảo hiểm thẩm định lại.

Nếu bạn vẫn không hài lòng với các điều kiện của công ty bảo hiểm như tăng phí hay loại trừ, bạn có thể hủy hợp đồng. Hoặc cũng có khi công ty bảo hiểm từ chối vì tình hình sức khỏe của bạn tiềm ẩn rủi ro quá cao. Trong tình huống đó, bạn có thể tìm kiếm các gói bảo hiểm khác phù hợp hơn hoặc chuẩn bị kế hoạch tài chính khác cho mình.

Tốt hơn là việc bạn cố gắng làm cho hợp đồng bảo hiểm được phát hành, nhưng sau này khi có rủi ro xảy ra thì công ty bảo hiểm lại không chi trả vì bạn đã vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin.

Làm sao nhà bảo hiểm tìm ra các bằng chứng y khoa tồn tại trước mà bạn đã không khai?

  • Hầu hết các bệnh viện, phòng khám bây giờ đều lưu trữ hồ sơ bệnh án của người đến điều trị bằng hệ thống công nghệ thông tin. Trang đã từng đến Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM xin lại bản sao kết quả khám bệnh cách đây hơn 7 năm. Chỉ trong vòng 1 nốt nhạc không nói ngoa chút nào luôn, Trang đã được nhận các giấy tờ mình muốn. Nếu Trang không khai thì sau này khi có sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm cũng sẽ dễ dàng tìm ra bằng chứng về bệnh đã có sẵn này của Trang mà thôi.
  • Lịch sử khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế nay đã có thể tra cứu qua ứng dụng VssID. Nếu bạn có bảo hiểm y tế và muốn xem sổ khám bệnh của mình thì tham khảo hướng dẫn tra cứu ở đây.
  • Lời khai của bạn với bác sĩ. Đến lúc bị bệnh rồi đi khám, Trang cam đoan là bác sĩ hỏi gì bạn cũng sẽ trả lời hết sạch sành sanh từ những triệu chứng nhỏ nhất, vì lúc đó bạn mong muốn cung cấp thông tin đầy đủ nhất cho việc điều trị.
quy tắc 5k trong bảo hiểm k1 3
Hồ sơ y tế được lưu trữ bằng công nghệ, dễ dàng tra cứu.

K2: Ký trực tiếp / Không ký thay

Ký thay

Bạn phải ký vào đơn yêu cầu bảo hiểm và các tờ khai liên quan nếu bạn là bên mua bảo hiểm và / hoặc người được bảo hiểm. Thực tế đã có nhiều trường hợp không được bồi thường vì việc ký thay.

quy tắc 5k trong bảo hiểm ký thay
Không được chi trả bảo hiểm vì ký thay – Nguồn: VN Express

Bên mua bảo hiểm là người giao kết hợp đồng với công ty bảo hiểm, nên phải trực tiếp ký thì hợp đồng mới có hiệu lực.

Trong sản phẩm có quyền lợi tử vong, người được bảo hiểm phải trực tiếp ký tên vào hồ sơ yêu cầu bảo hiểm vì nếu không, hợp đồng vô hiệu.

Hợp đồng vô hiệu không làm phát sinh nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm nên bạn sẽ không được chi trả.

Khoản 1. Điều 38 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định: Khi bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm con người cho trường hợp chết của người khác thì phải được người đó đồng ý bằng văn bản, trong đó ghi rõ số tiền bảo hiểm và người thụ hưởng.

Để tránh rủi ro không đòi được bồi thường, tuyệt đối đừng để bất kỳ ai ký thay lên hợp đồng bảo hiểm. Trong trường hợp người được bảo hiểm chưa đủ 18 tuổi, bố mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp sẽ ký tên.

Chữ ký không giống

Trong thực tế đã có tình huống như thế này: Khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, công ty bảo hiểm nhận thấy chữ ký của người được bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm không khớp với chữ ký của người này trên các hóa đơn chứng từ trong vài năm gần đây. Nhà bảo hiểm từ chối chi trả vì cho rằng không có bằng chứng cho thấy người được bảo hiểm đã đồng ý tham gia bảo hiểm.

Để tránh những rắc rối khi giải quyết quyền lợi liên quan đến việc “chữ ký không giống“, thì bạn nên trực tiếp ký và lăn tay bên cạnh chữ ký.

Muốn an tâm hơn về tính pháp lý của hợp đồng bảo hiểm, bạn có thể sử dụng dịch vụ xác nhận giao kết hợp đồng bảo hiểm của tư vấn bảo hiểm độc lập.

Tư vấn độc lập xác nhận giao kết hợp đồng bảo hiểm đảm bảo quyền lợi cho bạn.

K3: Kiểm tra hợp đồng thật kỹ

Trước khi ký kết hợp đồng bảo hiểm

Bạn nên đọc kỹ các điều khoản, nội dung trong hợp đồng và yêu cầu tư vấn viên hay công ty bảo hiểm nhân thọ giải thích rõ ràng cho bạn cả được cả mất khi tham gia gói bảo hiểm này. Bạn có đồng ý với Trang là trên đời này không có gì là tốt toàn tập cả?

Chú ý các điểm cơ bản sau:

  • Quyền lợi nhận được: tử vong, tai nạn, bệnh tật, chăm sóc y tế, hỗ trợ viện phí, quyền lợi đáo hạn, lãi suất, lãi chia (nếu có)…
  • Nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm và công ty bảo hiểm.
  • Các trường hợp loại trừ mà công ty bảo hiểm không có nghĩa vụ bồi thường hay không chi trả.
  • Các hình thức đóng phí và trách nhiệm đóng phí.
  • Quy trình yêu cầu quyền lợi bảo hiểm và thủ tục nhận quyền lợi khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Tham khảo: 5 Lưu ý khi mua bảo hiểm nhất định phải biết!

Sau khi hợp đồng bảo hiểm phát hành

Khi nhận được hợp đồng bảo hiểm, bạn nhất định phải kiểm tra lại một lượt về quyền lợi, bảng minh hoạ, đơn yêu cầu bảo hiểm… xem có chính xác là bản mình đã kê khai và ký tên hay không. Cẩn thận không thừa. Đời này thỉnh thoảng vẫn có những sai sót ngớ ngẩn.

Đối với bảo hiểm nhân thọ, bạn luôn có 21 ngày để cân nhắc về hợp đồng của mình. Với bảo hiểm phi nhân thọ thì tùy sản phẩm, có thể có 14 ngày tự do xem xét như bảo hiểm sức khỏe của Pacific Cross. Trong thời gian này bạn có thể hủy hợp đồng nếu muốn và công ty bảo hiểm sẽ hoàn trả lại số phí bảo hiểm bạn đã đóng.

Hãy tận dụng 21 ngày cân nhắc hay 14 ngày tự do xem xét để kiểm tra hợp đồng của bạn kỹ càng. Một khi đã qua thời hạn này rồi thì bạn phải đợi tới kỳ đóng phí tiếp theo mới có thể điều chỉnh hợp đồng, hoặc nếu bạn hủy hợp đồng thì tiền nhận lại sẽ rất thấp so với số phí bạn đã đóng.

quy tắc 5k trong bảo hiểm k3
Kiểm tra hợp đồng bảo hiểm thật kỹ trước khi ký & trong 21 ngày cân nhắc.

K4: Khai báo thay đổi

Điểm c) khoản 2. Điều 18 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định: Bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ thông báo những trường hợp có thể làm tăng rủi ro hoặc làm phát sinh thêm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm;

Như vậy bạn có nghĩa vụ cập nhật thông tin cho nhà bảo hiểm. Cụ thể bạn phải khai báo khi có thay đổi các loại thông tin nào, trong điều kiện nào, được ghi rõ trong Quy tắc, Điều khoản bảo hiểm mà bạn tham gia.

Thông thường bạn sẽ phải liên hệ với công ty bảo hiểm để thông báo thay đổi về thông tin cá nhân, thay đổi nghề nghiệp, thay đổi nơi sống đặc biệt là đi công tác hay định cư ở nước ngoài.

Trong một số tình huống, việc thay đổi của bạn làm gia tăng mức độ rủi ro, dẫn đến nhà bảo hiểm từ chối bảo hiểm toàn phần (chấm dứt hợp đồng) hoặc một phần (chấm dứt một vài sản phẩm bổ trợ) hoặc áp phí phụ trội…

Tương tự như việc kê khai trung thực ở thời điểm nộp hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, tốt hơn là bạn được biết rõ tình trạng hợp đồng của mình trước khi sự kiện bảo hiểm xảy ra. Nếu cứ đinh ninh được bảo hiểm mà thực tế lại không thì sẽ làm bạn không có sự chuẩn bị những phương án dự phòng tài chính khác.

quy tắc 5k trong bảo hiểm k4
Thông báo cho công ty bảo hiểm khi thay đổi nơi cư trú

K5: Không quên đóng phí

Theo luật quy định, bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm đầy đủ, theo thời hạn và phương thức đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, để đảm bảo duy trì hiệu lực hợp đồng.

Nếu bạn vi phạm nghĩa vụ này thì có thể sẽ làm hợp đồng của bạn mất hiệu lực, và nếu không may rủi ro xảy ra sau ngày hợp đồng mất hiệu lực thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không có nghĩa vụ chi trả quyền lợi.

Luật kinh doanh bảo hiểm quy định về các trường hợp Chấm dứt hợp đồng bảo hiểm như sau:

Điều 23 khoản 2: Bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

Điều 23 khoản 3: Bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm trong thời gian gia hạn đóng phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Như vậy đóng phí bảo hiểm là nghĩa vụ của bạn, nên bạn phải làm. Thông thường các công ty bảo hiểm sẽ gửi tin nhắn và email để nhắc nhở bạn, nhưng đó là dịch vụ khách hàng chứ không phải đợi họ nhắc bạn mới đóng.

Bạn cũng nên tìm hiểu kỹ trong điều khoản hợp đồng bảo hiểm xem mình được linh hoạt đóng phí như thế nào, thời gian gia hạn đóng phí ra sao, có thể tạm ứng giá trị tài khoản để đóng phí hay không… để áp dụng trong trường hợp gặp khó khăn về tài chính.

Hướng dẫn 7 cách đóng phí bảo hiểm khi gặp khó khăn về tài chính

quy tắc 5k trong bảo hiểm k5
Quên đóng phí có thể làm hợp đồng bảo hiểm chấm dứt hiệu lực.

Lời kết

Quy tắc 5K trong bảo hiểm mà Trang đã chia sẻ với bạn trong bài viết này đi theo trình tự tham gia bảo hiểm của bạn.

Từ thời điểm bạn làm hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, bạn cần:

  • kê khai trung thực đầy đủ và ký tên thực,
  • không ký thay cho ai cũng không để ai khác ký thay mình,
  • kiểm tra thông tin hợp đồng thật kỹ;

Sau đó, khi hợp đồng phát hành, bạn cần:

  • kiểm tra lại thông tin của hợp đồng để điều chỉnh kịp thời nếu muốn,
  • khai báo ngay cho nhà bảo hiểm nếu có bất kỳ thay đổi liên quan đến hợp đồng,
  • không quên đóng phí

Hy vọng “Quy tắc 5K trong bảo hiểm” sẽ giúp bạn giữ hợp đồng của mình có hiệu lực, để nó phát huy tác dụng khi bạn cần đến. Nếu thấy quy tắc này hay thì bạn hãy chia sẻ cho nhiều người biết đến hơn nữa nhé!

Bài viết được xem nhiều nhất:

Bảo hiểm ung thư nào tốt? 9 Lưu ý quan trọng cần biết!

So sánh Bảo hiểm y tế vs. Bảo hiểm sức khỏe

Comments (4)

  1. PhuongNTK 10/06/2021
  2. Xuân nhã 11/06/2021
  3. Xuân nhã 11/06/2021

Tham gia thảo luận