Trong quá trình tư vấn và đào tạo về bảo hiểm Trang gặp khá nhiều câu chuyện xoay quanh vấn đề “mua bảo hiểm cho con”. Câu hỏi “có nên mua bảo hiểm cho con hay không?” cũng nhận được không ít những ý kiến trái chiều.
Nghĩ đến việc mua bảo hiểm cho con xuất phát từ tình yêu cao cả của bậc làm cha làm mẹ, luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con, như là:
- Khi con đau ốm thì bố mẹ mong con được vào bệnh viện, phòng khám chất lượng và dịch vụ tốt để con được chăm sóc tốt nhất.
- Để dành một khoản tiền về sau cho con đi học đại học ở trường tốt hay đi du học…
- Nếu không may rủi ro xảy ra cho bố mẹ thì con sẽ vẫn được chăm lo đủ đầy.
Trang hoàn toàn đồng cảm và trân trọng suy nghĩ này.
Tuy nhiên, trước khi đặt bút ký hợp đồng bảo hiểm cho con, hãy chắc chắn rằng bạn đã hiểu rõ các đối tượng trong hợp đồng bảo hiểm, quyền lợi được chi trả khi nào, có thật sự giải quyết được những âu lo của bạn về tương lai của con mình hay chưa.
Nội dung
Mua bảo hiểm cho con: hiểu thế nào cho đúng?
“Mua bảo hiểm cho con” là một cách nói thông thường. Còn trong hợp đồng bảo hiểm, về phía khách hàng có đến 3 người là Bên mua bảo hiểm, Người được bảo hiểm và Người thụ hưởng.
- Bên mua bảo hiểm: ký kết hợp đồng và đóng phí.
- Người được bảo hiểm: nếu rủi ro xảy ra với người này thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả theo thỏa thuận trong hợp đồng.
- Người thụ hưởng: nhận quyền lợi chi trả từ công ty bảo hiểm.
Vậy khi nói “mua bảo hiểm cho con” thì phải hiểu con là người được bảo hiểm hay người thụ hưởng? Trang sẽ phân tích cả 2 trường hợp nhé!
Trường hợp #1. Con là người được bảo hiểm
Mua bảo hiểm cho con trong trường hợp này được hiểu là bố hoặc mẹ là bên mua bảo hiểm, còn con là người được bảo hiểm.
Rủi ro của con
Bệnh tật
Con trẻ thường sẽ hay mắc những bệnh thông thường, đặc biệt trong những năm đầu đời vì hệ miễn dịch của bé còn yếu.
Trẻ em cũng có nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo, là những bệnh nguy hiểm đến tính mạng và tốn kém rất nhiều chi phí điều trị. Tuy nhiên phần lớn các bệnh hiểm nghèo ở trẻ em là các bệnh bẩm sinh như tim bẩm sinh…
Nếu là bệnh bẩm sinh thì chỉ có bảo hiểm y tế mới chấp thuận chi trả. Bảo hiểm nhân thọ và các bảo hiểm thương mại khác rất hiếm nhận bảo hiểm cho bệnh bẩm sinh.
Tai nạn
Rủi ro về tai nạn lớn nhất cho trẻ em thông thường là tai nạn sinh hoạt như té ngã, điện giật, đuối nước, bỏng…
Về tai nạn giao thông, rủi ro sẽ đáng chú ý khi các bé tự đi học và tham gia giao thông.
Ý nghĩa của hợp đồng bảo hiểm
Công ty bảo hiểm sẽ chi trả nếu rủi ro xảy đến với người được bảo hiểm, trong trường hợp này là xảy đến với con, và chi trả cho người thụ hưởng hoặc bên mua bảo hiểm, thường là bố mẹ.
Trường hợp #2. Con là người thụ hưởng bảo hiểm
Mua bảo hiểm cho con trong trường hợp này được hiểu là bố hoặc mẹ là bên mua bảo hiểm và là người được bảo hiểm, còn con là người thụ hưởng.
Rủi ro của bố mẹ
Bệnh tật
Bố mẹ có thể ít mắc bệnh vặt, bệnh nhẹ vì hệ miễn dịch đã khỏe. Tuy nhiên bố mẹ lại có nhiều nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng, nhất là khi tuổi càng ngày càng cao.
Nếu làm trong môi trường đặc biệt có thể bị phơi nhiễm hóa chất độc hại, từ từ tích tụ mà thành ung thư hoặc các loại bệnh hiểm nghèo khác.
Ngay như nhân viên văn phòng đơn thuần cũng tiềm ẩn nguy cơ rất nhiều bệnh nghề nghiệp.
Chưa kể đến áp lực công việc, lối sống mất cân bằng thiếu chăm sóc cho bản thân vì có quá nhiều lo toan cũng làm các bố mẹ gặp nhiều bệnh nguy hiểm.
Tai nạn
Bố mẹ hàng ngày phải làm việc kiếm tiền lo cho cả gia đình. Dù là làm bất kỳ công việc nào thì bố mẹ đều có nguy cơ cao gặp tai nạn. Nếu phải di chuyển nhiều thì có thể gặp tai nạn giao thông. Nếu làm việc trong nhà máy, trên công trường hay những ngành nghề đặc thù thì có thể gặp tai nạn lao động.
Bố mẹ cũng có nguy cơ cao gặp các tai nạn sinh hoạt.
Ý nghĩa của hợp đồng bảo hiểm
Nếu người được bảo hiểm là bố hoặc mẹ không may tử vong (mức độ rủi ro cao nhất) thì con sẽ nhận được khoản tiền chi trả từ doanh nghiệp bảo hiểm để tiếp tục cuộc sống và học vấn. Nỗi đau tinh thần thì chắc chắn không điều gì có thể bù đắp được, nhưng ít nhất là con bạn sẽ được chăm lo tốt nhất có thể về vật chất và không bị dang dở con đường tri thức.
Nếu bố mẹ gặp rủi ro bệnh tật hay tai nạn phải điều trị thì gia đình sẽ mất đi thu nhập trong những ngày đó, lúc này khoản tiền bảo hiểm sẽ hỗ trợ gia đình không phải đi vay mượn hay phải lấy khoản tiết kiệm lẽ ra dành cho tương lai của con để lo liệu viện phí.

Tới đây thì chắc bạn đã phân biệt được 2 cách “mua bảo hiểm cho con” rồi.
Câu hỏi bây giờ là:
Nên mua bảo hiểm cho con như thế nào?
Nếu có thể mua tất cả các loại bảo hiểm đầy đủ cho mọi thành viên cho gia đình thì quá tuyệt vời rồi. Nhưng hầu hết mọi người đều phải cân nhắc về tài chính.
Trang gợi ý giải pháp bảo vệ tương lai của con để bạn tham khảo như sau:
– Đầu tiên, nên có bảo hiểm y tế của nhà nước, cho con và cả nhà, vì bảo hiểm sức khỏe thương mại dù có nhiều ưu điểm nhưng không hoàn hảo. Bạn có thể tham khảo bài viết So sánh bảo hiểm y tế và bảo hiểm sức khỏe để hiểu thêm về quyền lợi, cách chi trả của 2 loại bảo hiểm này.
– Hai là, nên có bảo hiểm nhân thọ bảo vệ cha mẹ và cho con là người thụ hưởng để đảm bảo tương lai của con nếu cha mẹ có rủi ro.
– Ba là, có thể thêm con vào hợp đồng nhân thọ của bố mẹ với sản phẩm phụ bảo hiểm bệnh hiểm nghèo, tai nạn…
– Bốn là, nếu ngân sách cho phép, mua thẻ chăm sóc sức khỏe cho con. Mua rời cũng được mà kèm theo hợp đồng nhân thọ của cha mẹ cũng được. Tham khảo bài viết này Tổng hợp tất tần tật những điều cần biết về bảo hiểm sức khỏe 2021.
Về mong muốn để dành một khoản tiền cho con đến năm 18 tuổi có tài chính để học đại học hay đi du học thì Trang đề xuất các bố mẹ tìm kiếm các giải pháp tích lũy và đầu tư khác có mức lợi nhuận tốt hơn.
Trên thị trường bảo hiểm có rất nhiều sản phẩm khác nhau với sự kết hợp các quyền lợi cực kỳ đa dạng. Bạn có thể tham gia chỉ một sản phẩm hay nhiều sản phẩm bảo hiểm phối hợp, cho các thành viên trong gia đình.
Bảo hiểm ung thư: Có thật sự cần?
Bảo hiểm tử kỳ là gì? Ai nên mua bảo hiểm tử kỳ?
Tuyệt đối nên tránh trường hợp:
Bố mẹ mua bảo hiểm nhân thọ cho con là người được bảo hiểm mà không hề mua bảo hiểm nhân thọ cho bản thân, chỉ tham gia cho bố mẹ vài sản phẩm bổ trợ kèm theo hợp đồng bảo hiểm của con.
Tâm tình
Hy vọng là qua cách Trang phân tích trong bài viết này, bạn đã biết đặt con vào vị trí nào trong hợp đồng bảo hiểm và vào trong sản phẩm bảo hiểm nào.
Tình yêu phải đặt đúng chỗ! Hãy dùng cả trái tim nồng ấm của mình cùng với cái đầu tỉnh táo khi mua bảo hiểm cho con bạn nhé!
Chuẩn quá cô ơi, khi tối mới tư vấn 1 người bạn y vậy luôn
Cảm ơn anh! hy vọng bài viết sẽ giúp nhiều bố mẹ mua bảo hiểm “chuẩn” hơn.
Hi Trang,
Nội dung rất hữu ích!
Cảm ơn bạn nhiều nhé.