Kinh nghiệm tham gia bảo hiểm nhân thọ: có 5 lưu ý quan trọng mà bạn nhất định phải biết trước khi đặt bút ký hợp đồng bảo hiểm.
Mua bảo hiểm là việc ảnh hưởng không nhỏ đến tài chính của gia đình bạn. Các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ lại thường có thời hạn lâu dài. Thị trường bảo hiểm với vài chục công ty tạo ra hàng trăm sản phẩm bảo hiểm khác nhau.
Vậy nên bạn chắc hẳn có rất nhiều băn khoăn, lo lắng khi lựa chọn sản phẩm bảo hiểm.
Nội dung
Kinh nghiệm tham gia bảo hiểm nhân thọ
- Hiểu rõ hợp đồng bảo hiểm dự định tham gia.
- Cân nhắc lựa chọn giải pháp bảo hiểm phù hợp với khả năng tài chính.
- Mua bảo hiểm càng sớm càng tốt.
- Nên mua bảo hiểm cho người “trụ cột” tài chính trước.
- Sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm để giảm thiểu rủi ro về tài chính, về pháp lý và giúp bạn tiết kiệm thời gian.

Kinh nghiệm tham gia bảo hiểm nhân thọ này sẽ giúp bạn:
- Chọn được sản phẩm bảo hiểm và mức bảo vệ phù hợp nhất, với chi phí thấp nhất.
- Tránh rơi vào các trường hợp không duy trì được hợp đồng bảo hiểm.
- Tránh các rủi ro không được chi trả quyền lợi bảo hiểm.
Lưu ý 1. Hiểu rõ nội dung hợp đồng bảo hiểm
Lưu ý đầu tiên và quan trọng nhất đó là bạn phải hiểu rõ hợp đồng bảo hiểm của bạn dự định mua. Bảo hiểm, nhất định phải hiểu mới mua!
Nhưng mà hợp đồng bảo hiểm rất nhiều văn bản, nhiều chữ rối rắm. Vậy đâu là những điểm quan trọng bạn cần phải xem xét? Chắc chắn là phải tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến quyền lợi của bạn, bao gồm:
- Phạm vi bảo hiểm
- Điều khoản loại trừ
- Thời gian chờ
- Thời gian chờ sống

1. Phạm vi bảo hiểm
Mua cái áo thì được cái áo, mua cái quần có cái quần… Nên bạn phải tìm hiểu kỹ xem mình thật sự được bảo vệ gì chiếu theo điều khoản hợp đồng.
Nếu trong hợp đồng bảo hiểm của bạn chỉ có quyền lợi tử vong và quyền lợi liên quan tai nạn thì đến khi bị ung thư bạn sẽ không được nhận tiền để trang trải chi phí điều trị bệnh ung thư. Muốn có quyền lợi này bạn phải chọn các sản phẩm chi trả cho bệnh ung thư hoặc các bệnh hiểm nghèo trong đó có ung thư.
Các quyền lợi bạn tham gia được thể hiện tóm lược trong Bảng minh họa đối với bảo hiểm nhân thọ và trong Bảng tóm tắt quyền lợi đối với bảo hiểm sức khỏe. Chi tiết được ghi trong Quy tắc, Điều khoản của sản phẩm.
2. Điều khoản loại trừ
Điều khoản loại trừ chính là những trường hợp mà doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không chi trả. Như vậy đây là phần cực kỳ quan trọng mà bạn chắc chắn phải lưu ý và đọc kỹ.
Tất cả các sản phẩm bảo hiểm dù là nhân thọ hay phi nhân thọ thì đều có Quy tắc và Điều khoản của sản phẩm đó. Các trường hợp loại trừ chung phải được ghi rõ trong Quy tắc, Điều khoản này. Bạn phải luôn luôn đọc Quy tắc, Điều khoản thật kỹ, chứ không đơn thuần xem qua Bảng minh họa hay Bảng tóm tắt quyền lợi và nghe tư vấn nói.
Ngoài ra, trong trường hợp sau khi thẩm định sức khỏe, công ty bảo hiểm chấp thuận bảo hiểm cho bạn có điều kiện thì trong thư chấp thuận bảo hiểm phải ghi rõ những điểm loại trừ riêng nếu có. Ví dụ: công ty sẽ không chi trả trong trường hợp người được bảo hiểm bị ung thư gan và các biến chứng có liên quan.
3. Thời gian chờ trong bảo hiểm
Thời gian chờ được tính từ ngày hiệu lực hợp đồng hoặc ngày khôi phục hiệu lực hợp đồng gần nhất. Nếu sự kiện bảo hiểm xảy ra trong thời gian này thì bạn sẽ không được chi trả từ doanh nghiệp bảo hiểm.
Mỗi công ty, mỗi sản phẩm có thể có cách dùng từ hoặc diễn đạt khái niệm này khác nhau một chút. Bạn cần biết là có khái niệm này để tìm xem nó được quy định như thế nào trong gói bảo hiểm bạn đang dự định mua.
Đối với các sự kiện liên quan đến tai nạn, thông thường thời gian chờ bằng 0 ngày. Thông thường nhé, vì có sản phẩm áp dụng 1 ngày hoặc 2 ngày chờ.
Trong các sản phẩm có chi trả cho trường hợp bệnh tật như bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo, bảo hiểm ung thư, bảo hiểm hỗ trợ viện phí… thì thời gian chờ thường là 30 ngày cho các bệnh thông thường; 90 ngày hoặc 120 ngày hay 365 ngày cho một số bệnh đặc biệt.
Bệnh đặc biệt là những bệnh nào? Đây là quy định của mỗi sản phẩm. Danh sách các bệnh này phải được ghi rõ trong Quy tắc, Điều khoản của sản phẩm. Nên bạn lại quay về tìm trong Quy tắc, Điều khoản nhé!
Rõ ràng thời gian chờ này ngắn hay dài sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của bạn. Nên hãy đảm bảo là bạn đã biết tường tận thông tin này trước khi ký hợp đồng bảo hiểm.
4. Thời gian chờ sống trong bảo hiểm
Thời gian chờ sống trong bảo hiểm là một quy định ảnh hưởng lớn đến việc bạn có được chi trả các quyền lợi liên quan đến bệnh hiểm nghèo hay không.
Trang hay nói vui rằng bệnh hiểm nghèo là những “bệnh nguy hiểm đến tính mạng mà mắc phải là nghèo“, ví dụ các loại ung thư, tai biến mạch máu não, suy thận,… Chi phí điều trị cho những bệnh này tốn kém như thế nào thì bạn cũng tự biết rồi. Nên mới cần tham gia bảo hiểm bệnh hiểm nghèo.
Các công ty bảo hiểm có thể sử dụng từ ngữ khác như là bệnh lý nghiêm trọng, bệnh nan y…
Trong những sản phẩm bảo hiểm bệnh hiểm nghèo sẽ có yêu cầu người được bảo hiểm phải sống qua thời gian chờ sống này kể từ khi mắc bệnh thì mới có thể được công ty bảo hiểm chi trả quyền lợi.
Trên thị trường bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm đang áp dụng 7 ngày, 14 ngày, 15 ngày hoặc 30 ngày cho thời gian chờ sống. Riêng bảo hiểm bệnh hiểm nghèo và bảo hiểm ung thư của FWD là có thời gian chờ sống bằng 0 ngày.
Chắc bạn cũng biết một số bệnh hiểm nghèo có thể dẫn đến tử vong rất nhanh, đặc biệt nếu người bệnh phát hiện ra bệnh muộn, đã ở giai đoạn cuối. Thời gian chờ sống càng ngắn thì khả năng được chi trả càng cao.
Định nghĩa và cách gọi tên khái niệm này có thể khác tùy từng công ty bảo hiểm. Nhưng không quan trọng nó tên như thế nào, mà quan trọng là nó ảnh hưởng đến quyền lợi của bạn nên bạn nhất định phải tìm ra nó trong Điều khoản bảo hiểm.
Bảo hiểm – Hiểu mới mua, mua phải hiểu
Baohiem101.com
Bất cứ điểm nào bạn chưa hiểu rõ trong hợp đồng bảo hiểm của mình thì bạn hãy yêu cầu công ty bảo hiểm giải thích đầy đủ cho bạn trước khi quyết định mua hay không. Đây là quyền của bên mua bảo hiểm chiếu theo luật kinh doanh bảo hiểm. Quyền của mình thì mình xài cho tẹt ga đi ha!
Lưu ý 2. Cân đối tài chính khi mua bảo hiểm
Sau hơn một mùa covid thì năm nay rất nhiều người gặp khó khăn về tài chính, và lúc này những hợp đồng bảo hiểm với số phí lớn sẽ trở thành gánh nặng.
Cho dù không có covid thì chúng ta cũng không biết được rằng thu nhập những năm sau của mình có còn được đảm bảo như hiện nay hay không.
Vì vậy, bạn nên:
- Mua bảo hiểm không vượt quá khả năng đóng phí của mình.
- Hiểu rõ các quy định về đóng phí để lên kế hoạch đóng phí hợp lý nhất.

1. Chọn mức phí bảo hiểm phù hợp khả năng tài chính
Mức phí bảo hiểm sẽ quyết định khả năng duy trì hợp đồng bảo hiểm lâu dài về sau. Bạn có muốn rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi đóng phí tiếp thì chật vật mà ngưng hợp đồng thì không còn được bảo vệ, tiền thu về cũng ít hơn số phí đã đóng nếu hợp đồng chưa đủ lâu?
Các công ty bảo hiểm thiết kế ra muôn hình vạn trạng các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Dĩ nhiên sản phẩm nào cũng có công dụng của nó. Và nếu bạn có khả năng thì bạn hoàn toàn có thể tham gia tất tần tật các thứ bạn muốn.
Nhưng nếu bạn không đại gia đến thế thì lúc này bạn nên tỉnh táo suy nghĩ những quyền lợi nào thật sự cần thiết. Hãy đọc điều khoản để xem thực tế sản phẩm đó chi trả bao nhiêu, như thế nào cho sự kiện bảo hiểm nào. Đừng chỉ nhận định dựa trên những cái tên sản phẩm mang tính thương mại lúc nào cũng mỹ miều và đánh động vào trái tim mong manh của bạn.
2. Tìm hiểu các quy định về đóng phí
Bạn cũng cần tìm hiểu kỹ các quy định về cách thức đóng phí.
- Sản phẩm này có được linh hoạt đóng phí hay không, nếu có thì từ năm thứ mấy của hợp đồng và tối thiểu bao nhiêu?
- Sản phẩm này có cho phép tạm ứng từ giá trị tài khoản để đóng phí không?
- Thời gian gia hạn đóng phí là bao lâu?
Khi hiểu rõ những quy định này, bạn sẽ biết cách duy trì hợp đồng bảo hiểm cả khi tình hình tài chính biến động không như bạn đã dự tính.
Tham khảo thêm: Hướng dẫn 7 cách đóng phí bảo hiểm khi khó khăn về tài chính
Lưu ý 3. Mua bảo hiểm càng sớm càng tốt
Nhiều lần bạn nghĩ đến bảo hiểm rồi lại bận bịu hết việc này đến việc kia nên vẫn chưa dành thời gian tìm hiểu. Bạn rõ ràng biết là cần phải mua bảo hiểm đấy nhưng vẫn tìm được lý do để chưa mua bảo hiểm.
Trang thành thật khuyên bạn phải mua bảo hiểm càng sớm càng tốt.

1. Tại sao nên mua bảo hiểm càng sớm càng tốt
Lý do thứ nhất là rủi ro đâu có đợi chúng ta có bảo hiểm rồi mới đến đâu!
Tai nạn thì luôn rình rập, từ tai nạn giao thông đến tai nạn lao động, tai nạn ở nơi làm việc cũng có mà tai nạn ở nhà cũng gặp. Bệnh tật thì luôn đến không báo trước, không trừ độ tuổi nào.
Bảo hiểm chỉ chấp thuận bảo hiểm cho những rủi ro chưa xảy ra mà thôi. Nếu chưa có bảo hiểm mà tai nạn hay bệnh ập đến, thì bạn phải đợi điều trị xong, sức khỏe hoàn toàn bình phục mới có thể tham gia một bảo hiểm nào đó. Có thể thôi, vì nếu mắc bệnh ung thư thì dù đã được chữa khỏi cũng không có công ty bảo hiểm nào chấp thuận.
Lý do thứ hai là mua càng sớm phí càng rẻ. Phí bảo hiểm được tính dựa trên độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, tình trạng sức khỏe của người được bảo hiểm và số tiền bảo hiểm.
Tuổi càng tăng rủi ro bệnh tật càng nhiều nên phí càng cao. Sức khỏe năm sau chắc gì còn như năm trước. Nếu đã xuất hiện dấu hiệu bệnh nào đó thì có thể bị tăng phí hoặc bị loại trừ những vấn đề liên quan đến bệnh có sẵn, hoặc tệ hơn là không được chấp nhận bảo hiểm.
2. Không cần phải đợi có nhiều tiền mới mua bảo hiểm
Nếu bạn đã hiểu hết những điều ở trên nhưng đang băn khoăn không có nhiều tiền để tham gia bảo hiểm thì bạn cần biết rằng bảo hiểm thật ra rất đa dạng, và có những bảo hiểm không hề đắt như bạn tưởng.
Bạn có thể tham gia ngay một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với mức phí phù hợp khả năng của bạn bây giờ. Sau này khi có tài chính tốt hơn thì bạn có thể tăng mức bảo vệ, bằng cách điều chỉnh ngay trên hợp đồng này nếu được hoặc mua thêm hợp đồng bảo hiểm khác.
Hoặc bạn cũng có thể chọn mua các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm ung thư, bảo hiểm tai nạn… dạng bán rời, không cần phải mua bảo hiểm nhân thọ. Nhiều sản phẩm dạng này có giá rất hợp lý. Dạng sản phẩm này thường có thời hạn ngắn từ 1-5 năm, không phải hợp đồng lâu dài như bảo hiểm nhân thọ.
Lưu ý 4. Mua bảo hiểm nhân thọ cho người trụ cột trước
Nếu bạn có tài chính dư dả để mua bảo hiểm cho cả gia đình thì quá tuyệt vời rồi. Nhưng nếu trong trường hợp bạn phải cân đối chi tiêu thì nên ưu tiên mua bảo hiểm cho người “trụ cột” trước, tức là người nào đang tạo ra thu nhập chính trong gia đình bạn.

1. Tại sao nên mua bảo hiểm nhân thọ cho người trụ cột trước?
Đầu tiên là phải bảo vệ “máy in tiền” của gia đình trước đúng không nào? Khi cái máy in tiền hư thì chắc chắn là gia đình bạn sẽ lâm vào tình cảnh khó khăn về vật chất. Và cái máy này muốn tạo ra tiền thì phải đi làm việc mỗi ngày, nên lại càng dễ gặp tai nạn và bệnh tật hơn.
Trang đã gặp một câu chuyện thật thế này: Một chị gái là doanh nhân rất giỏi, rất yêu gia đình nên chị đã mua 4 cái bảo hiểm cho chồng và các con. Tuy nhiên trong tất cả các hợp đồng chị đều chỉ là bên mua mà thôi. Ông trời vốn thích chơi trò éo le. Năm ngoái chị không may bị ung thư, và sau đó một thời gian thì chị mất, để lại chồng con và 4 cái hợp đồng bảo hiểm, mỗi cái cũng kha khá tiền. Bây giờ thì chồng chị rất chật vật trong việc duy trì đóng phí các hợp đồng này.
Rõ ràng chị gái này mới là “trụ cột” tài chính của gia đình. Người cần được bảo hiểm đầu tiên là chị.
Nếu chị có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trong đó có thêm sản phẩm bổ trợ bệnh hiểm nghèo thì khi mắc bệnh ung thư, chị có thể nhận được tiền để điều trị ung thư, và khi chị không trụ nổi mà ra đi thì gia đình chị sẽ nhận khoản tiền chi trả của sản phẩm chính nhân thọ, lên đến tiền tỷ.
Như vậy chồng chị sẽ không cần lo lắng việc đóng phí cho những hợp đồng khác, cũng như có một khoản để lo cho con cái trong vài năm, đến khi cả gia đình vực dậy tinh thần và đi vào ổn định kinh tế.
2. Có nên mua bảo hiểm nhân thọ cho con hay không?
Rất nhiều chị em tìm mua bảo hiểm nhân thọ cho con vì nghĩ rằng mua bảo hiểm là để bảo vệ cho con.
Nhưng bảo hiểm thực ra không thể bảo vệ đứa trẻ khỏi rủi ro về đau ốm bệnh tật. Bảo hiểm thực chất là bảo vệ túi tiền của bố mẹ đứa trẻ, giảm bớt gánh nặng viện phí của con cho bố mẹ.
Nếu bố mẹ đã có bảo hiểm nhân thọ rồi thì có thể mua cho con. Nếu chưa, thì hãy ưu tiên tham gia bảo hiểm nhân thọ cho bố mẹ trước.
Bên cạnh đó, nếu bạn để ý thì sẽ thấy nhiều công ty bảo hiểm quy định mức chi trả bảo hiểm nhân thọ cho trẻ em thấp hơn so với người trưởng thành. Điều này nhằm tránh những nguy cơ xấu về đạo đức. Khi một đứa trẻ mang trên mình một hợp đồng bảo hiểm trị giá tiền tỷ thì sẽ có khả năng bị hại để người thụ hưởng nhận được chi trả.
Chuyện trục lợi bảo hiểm này rất hi hữu nhưng không phải chưa có tiền lệ. Nếu mong muốn bảo vệ con trẻ thì bạn nên cân nhắc điểm này.
3. Người trẻ và độc thân có nên mua bảo hiểm nhân thọ?
Nếu bạn còn độc thân chưa vướng bận gia đình nhỏ, thì cũng nên mua bảo hiểm nhân thọ cho bản thân trước khi mua cho bố mẹ.
Chắc chắn là bạn không muốn nếu bạn có mệnh hệ gì thì bạn chưa kịp báo hiếu lại còn tạo thêm gánh nặng tài chính cho bố mẹ đã lớn tuổi đúng không nào?
Đây cũng là suy nghĩ đơn sơ của Trang khi mua cái hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đầu tiên cách đây vài năm. Lúc đó Trang chưa biết nhiều thông tin về sản phẩm bảo hiểm, người bán cũng không tư vấn thêm.
Nên đơn giản là Trang đã mua đúng cái bảo hiểm nhân thọ chỉ có sản phẩm chính chi trả cho đúng trường hợp tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn.
Bây giờ nhìn lại cái hợp đồng đó, Trang rất là buồn cười, cảm giác như mình phải ăn cơm trắng không có đồ ăn gì hết (không có sản phẩm bổ trợ). Nhưng mà cơm trắng là cái cơ bản cần thiết tối thiểu rồi. Nên Trang vẫn duy trì hợp đồng bảo hiểm đó đến giờ, và mua thêm các sản phẩm khác để được bảo vệ toàn diện hơn.
Lưu ý 5. Sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm
Nếu bạn cảm thấy bảo hiểm quá phức tạp, không biết khi nào mình mới đủ thông hiểu để mua bảo hiểm, hoặc bạn không muốn mất thời gian quá nhiều cho việc tìm hiểu, thì bạn đừng lo!
Bạn có thể sử dụng các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm để tìm được giải pháp bảo hiểm tốt nhất cho mình, đảm bảo hợp đồng bảo hiểm được thực hiện đầy đủ và đúng đắn ngay từ đầu.
Những dịch vụ này còn rất mới ở Việt Nam, nên Trang sẽ giới thiệu để bạn biết mình có thể sử dụng các dịch vụ này như thế nào trong quá trình tìm hiểu và mua bảo hiểm.

1. Tư vấn sản phẩm và pháp lý bảo hiểm
Các tư vấn có trình độ và kinh nghiệm về sản phẩm bảo hiểm và pháp luật liên quan sẽ giúp bạn xây dựng kế hoạch bảo hiểm phù hợp nhất với bạn và gia đình, đồng thời đưa ra cho bạn những lời khuyên về tài chính cá nhân sâu rộng, giúp bạn giảm thiểu rủi ro tối đa khi mua bảo hiểm.
2. Đánh giá rủi ro bảo hiểm
Nhằm hạn chế tối đa rủi ro cho bạn khi tham gia bảo hiểm, các tư vấn chuyên nghiệp sẽ giúp bạn nhận diện, phân loại, đánh giá tính chất và mức độ rủi ro của giải pháp bảo hiểm bạn dự định mua. Từ đó đưa ra những đề xuất giúp bạn có thể điều chỉnh phạm vi rủi ro, nhằm có được sản phẩm bảo hiểm phù hợp hơn với điều kiện cụ thể của bạn.
3. Xác nhận giao kết bảo hiểm
Dịch vụ xác nhận giao kết bảo hiểm giúp bạn bảo đảm tính chính xác, trung thực và hợp pháp trong giao kết hợp đồng bảo hiểm, để tránh các rủi ro pháp lý có thể phát sinh trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm.
Tư vấn viên độc lập sẽ là người chứng kiến và xác nhận quá trình giao kết hợp đồng bảo hiểm giữa bạn và đại lý bảo hiểm. Tư vấn độc lập còn hỗ trợ giải đáp các thắc mắc của bạn và kể cả người tư vấn sản phẩm bảo hiểm về các vấn đề pháp lý và các quyền lợi bảo hiểm.
4. Quản lý hợp đồng bảo hiểm
Đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý hợp đồng bảo hiểm sẽ nhận ủy quyền của bạn, thay mặt cho bạn để làm việc trực tiếp với công ty bảo hiểm về các vấn đề liên quan đến hợp đồng bảo hiểm.
Hợp đồng bảo hiểm của bạn cũng sẽ được rà soát, kiểm tra tính pháp lý. Việc kê khai không đúng, cung cấp sai hoặc thiếu các chứng từ liên quan khi làm hồ sơ yêu cầu bảo hiểm có thể là một lý do mà công ty bảo hiểm từ chối giải quyết quyền lợi cho bạn sau này. Nếu có sai sót, đơn vị cung cấp dịch vụ này sẽ giúp bạn điều chỉnh.
Ngoài ra, bạn sẽ được hướng dẫn và hỗ trợ khi có vấn đề liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, đặc biệt là hỗ trợ giải quyết chi trả khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra.
Sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là một lưu ý quan trọng mà bạn nên cân nhắc để đảm bảo tối ưu quyền lợi mà không tốn nhiều thời gian của bạn.
Lời kết
Hy vọng là kinh nghiệm tham gia bảo hiểm nhân thọ với 5 lưu ý quan trọng mà Trang chia sẻ với bạn trong bài viết này sẽ giúp ích cho bạn trong việc tìm mua bảo hiểm.
Nếu bạn cảm thấy bài viết này hữu ích thì hãy để lại bình luận bên dưới nhé. Bạn cũng có thể lưu ý thêm những điều khác để những độc giả sau này sẽ có thêm kinh nghiệm từ bạn.
tác giả phân tích kỹ, hay quá!
Bài viết rất cụ thể và chi tiết. cảm ơn tác giả. xin được chia sẻ nhé.