Vừa rồi trên trang CafeBiz có đăng bài viết về câu chuyện một gia đình gặp khó khăn trong việc đóng phí bảo hiểm nhân thọ vì chị vợ bị mất việc làm.

- Bạn có đang rơi vào tình huống tương tự?
- Bạn có thể gặp tình trạng thiếu tiền đóng bảo hiểm trong những năm sau này?
Lúc đó, bạn sẽ nghĩ “tôi muốn hủy hợp đồng bảo hiểm“?
Sau mấy mùa covid, chắc hẳn bạn đã mệt mỏi với vấn đề tài chính lắm rồi. Ai không bị ảnh hưởng gì thì quả thật là may mắn, nhưng số này có lẽ hiếm thôi. Tương lai chưa bao giờ trở nên khó đoán định như bây giờ (6/2021)!
Nhưng!!!
Trước khi từ bỏ, hãy nghĩ đến lý do mà bạn đã bắt đầu.
Bạn mua bảo hiểm nhân thọ với mục đích gì? Có phải là để bảo vệ thu nhập mất đi nếu không may người được bảo hiểm gặp rủi ro?
Bây giờ bạn gặp khó khăn về tài chính, đến việc đóng phí bảo hiểm còn phải loay hoay, tưởng tượng xem nếu không may xảy ra rủi ro cho người trụ cột gia đình thì bạn sẽ còn bế tắc đến mức nào? Bạn sẽ tìm tiền ở đâu để trả viện phí, để tiếp tục lo cho gia đình?
Cho nên nhất định đừng vội hủy hợp đồng bảo hiểm mà hãy tìm cách duy trì hiệu lực của hợp đồng, để nó phát huy giá trị khi bạn cần.
Trong bài viết này, Trang sẽ gợi ý cho bạn 7 cách đóng phí bảo hiểm nhân thọ khi hầu bao không rủng rỉnh. Bạn có thể áp dụng một hay nhiều cách để quản lý tốt nhất các hợp đồng bảo hiểm của mình và gia đình.
Nội dung
Nên đóng phí bảo hiểm nhân thọ như thế nào?
Cách 1. Thay đổi định kỳ đóng phí bảo hiểm
Bạn có thể thay đổi định kỳ đóng phí bảo hiểm từ năm thành nửa năm / quý / tháng để số phí bảo hiểm bạn phải đóng được dàn trải ra, mỗi lần sẽ đóng số tiền ít hơn. Như vậy sẽ giảm bớt áp lực tài chính so với việc đóng phí một lần cho cả năm.
Nếu bạn đang có một hợp đồng bảo hiểm 24 triệu / năm thì bạn có thể chuyển sang đóng phí nửa năm (12 triệu / kỳ) hoặc quý (6 triệu / kỳ) hoặc tháng (2 triệu / kỳ).
Hầu hết các công ty bảo hiểm đều cho phép khách hàng làm điều này. Tuy nhiên mỗi sản phẩm có quy định về mức phí tối thiểu cho mỗi định kỳ đóng phí khác nhau.
Bảo hiểm liên kết chung An Phát Trọn Đời của Bảo Việt quy định việc yêu cầu thay đổi định kỳ đóng phí bảo hiểm cần được làm thành văn bản và gửi cho Bảo Việt chậm nhất 15 ngày trước hạn đóng phí.

Đối với sản phẩm An Phúc Trọn Đời Ưu Việt của AIA, yêu cầu thay đổi định kỳ đóng phí bảo hiểm phải được làm chậm nhất 30 ngày trước ngày kỷ niệm hợp đồng.

Đây là cách ít gây tổn thất nhất, chỉ ảnh hưởng đến giá trị tài khoản hợp đồng của bạn một chút mà thôi.
Cách 2. Đóng phí bảo hiểm linh hoạt theo khả năng
Thông thường đối với các sản phẩm bảo hiểm liên kết chung và liên kết đơn vị, bạn có quyền linh hoạt đóng phí. Từ năm hợp đồng thứ 3/4/5/6 trở đi tùy công ty bảo hiểm, bạn được đóng phí bảo hiểm bất kỳ lúc nào với số tiền bạn muốn.
Sản phẩm bảo hiểm liên kết chung Đón Đầu Thay Đổi 2.0 của FWD cho phép đóng phí linh hoạt từ năm thứ 4.

Với sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị VITA Sống Thịnh Vượng của Generali, bạn có thể linh hoạt đóng phí từ năm thứ 5 trở đi.

Bạn có 3 cách đóng phí bảo hiểm như sau:
- Đóng phí đủ: Hợp đồng của bạn có mức phí 24 triệu / năm thì bạn vẫn đóng đủ 24 triệu trong năm hợp đồng nhưng có thể tháng này đóng 5 triệu, tháng sau 3 triệu… tùy tình hình thực tế tài chính của bạn.
- Đóng phí thiếu: Bạn đóng phí khi bạn có tiền, nhưng tổng cộng trong một năm hợp đồng bạn đóng không đủ số phí đã thỏa thuận ở thời điểm ban đầu, ví dụ 24 triệu nhưng bạn chỉ đóng tổng cộng được 18 triệu mà thôi.
- Tạm ngừng đóng phí: Lúc này, công ty bảo hiểm tự động trích tiền từ giá trị tài khoản hợp đồng của bạn chuyển sang đóng các loại phí để duy trì hiệu lực hợp đồng.
Đóng phí thiếu hoặc tạm ngừng đóng phí sẽ làm giảm giá trị tài khoản hợp đồng của bạn. Lâu dài sẽ dẫn đến hợp đồng bảo hiểm chấm dứt hiệu lực khi tài khoản không còn đủ tiền để bù vào phần phí bị trừ đi. Nên ngay khi củng cố về tài chính, bạn hãy tiếp tục đóng phí đầy đủ nhé.
Cách 3. Tạm ứng từ giá trị tài khoản bảo hiểm
Nếu hợp đồng của bạn đã đóng được vài năm thì trong tài khoản bảo hiểm chắc hẳn cũng có một số tiền nhất định. Bạn có thể nghĩ: Tôi rút một phần từ giá trị tài khoản ra rồi lấy tiền đó đóng phí bảo hiểm được không?
Về lý thuyết là được. Thực tế thì công ty bảo hiểm đã có sẵn cơ chế tự động trích giá trị tài khoản của bạn trừ đi phí bảo hiểm cơ bản hoặc phí bảo hiểm rủi ro để duy trì hiệu lực hợp đồng rồi.
Chú ý, rút tiền từ giá trị tài khoản có thể làm giảm số tiền bảo hiểm. Nếu bạn đang tin rằng bạn được rút tiền đến 80% giá trị tài khoản hợp đồng mà vẫn được bảo vệ đầy đủ thì hãy đọc kỹ lại điều khoản nhé.
Tuy nhiên nếu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của bạn cho phép tạm ứng từ giá trị tài khoản thì bạn có thể sử dụng quyền lợi này. Tạm ứng khác với rút tiền. Tạm ứng không làm thay đổi các quyền lợi bảo hiểm của bạn.
Bảo hiểm liên kết chung Tôi Chọn An Yên (Hanwha Life) có quyền lợi Tạm ứng từ Giá trị tài khoản bảo hiểm.

Sản phẩm Kế Hoạch Tài Chính Linh Hoạt 2015 của Chubb Life cũng cho phép Tạm ứng từ Giá trị hoàn lại.

Tạm ứng giống như bạn vay tiền của công ty bảo hiểm vậy. Vay thì sẽ có “lãi” và vay thì sau đó bạn phải hoàn trả khoản vay. “Lãi” được gọi là Khoản giảm thu nhập đầu tư / Phí tạm ứng / … tùy công ty đặt tên.
Cách 4. Đóng phí trong thời gian gia hạn
Nếu bạn không kịp làm thủ tục thay đổi định kỳ đóng phí, và hợp đồng bảo hiểm của bạn không cho phép linh hoạt đóng phí thì bạn vẫn có thể đóng phí trễ trong vòng 60 ngày kể từ ngày đến hạn đóng phí.
Hoặc ngay cả khi bạn được đóng phí linh hoạt nhưng qua một thời gian, tài khoản hợp đồng của bạn không còn đủ để trừ các loại phí cần thiết nữa thì bạn cũng có 60 ngày gia hạn đóng phí.
Thời gian gia hạn đóng phí 60 ngày này được quy định chung trong Luật kinh doanh bảo hiểm và ghi rõ trong Quy tắc, Điều khoản của các sản phẩm bảo hiểm.
Ví dụ như Đón Đầu Thay Đổi 2.0 của FWD dưới đây.

Bảo hiểm liên kết chung Bảo An Khang của Sunlife quy định như sau:

Có thời gian gia hạn đóng phí 60 ngày này, bạn sẽ có thêm thời gian tìm ra nguồn tài chính để đóng phí bảo hiểm.
Cách 5. Đóng phí bảo hiểm với thẻ tín dụng
Đóng phí bảo hiểm bằng thẻ tín dụng giống như bạn mượn tiền ngân hàng không có lãi trong thời hạn tối đa 45-55 ngày tùy loại thẻ.
Ngoài ra, đóng phí bảo hiểm bằng thẻ tín dụng cashback, bạn có thể được hoàn tiền rất hấp dẫn. Thẻ tín dụng hoàn tiền cao nhất cho bảo hiểm là thẻ VP Lady, hoàn đến 6% số tiền thanh toán phí bảo hiểm, tối đa 600.000đ/tháng.

Nếu chưa có thẻ tín dụng, bạn có thể tham khảo mở thẻ của VP Bank, VIB, Techcombank…
Vay thì phải trả chứ ngân hàng không cho mượn “chùa”. Đến kỳ thanh toán thẻ tín dụng thì bạn nên trả hết, không nên nợ thẻ tín dụng vì lãi suất rất cao.
Cách 6: Vay theo hợp đồng bảo hiểm nhân thọ
Bạn có thể vay tiền theo hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bạn đang có, để đóng phí bảo hiểm mà không cần thế chấp tài sản, không cần chứng minh thu nhập với các giấy tờ phức tạp. Hợp đồng chỉ cần có hiệu lực từ 1 năm trở lên là được.
Đây là một hình thức vay tiêu dùng mà bạn dễ dàng tìm thấy ở nhiều ngân hàng và công ty tài chính.
Khoản vay được bảo hiểm, trong trường hợp người vay bị tử vong hay thương tật toàn bộ vĩnh viễn, khoản vay sẽ được trả bởi công ty bảo hiểm.
Tham khảo: Gói vay đóng phí bảo hiểm của Easy Credit

Với hình thức này, bạn nên chú ý phải có kế hoạch trả nợ phù hợp.
Cách 7: Điều chỉnh giảm quyền lợi bảo hiểm
Để giảm khoản phí bảo hiểm phải đóng, bạn có thể rà soát lại hợp đồng bảo hiểm của mình sau đó hủy bỏ một vài sản phẩm bổ trợ không nhất thiết phải có, và / hoặc giảm số tiền bảo hiểm của sản phẩm chính để làm giảm mức phí.
Phúc Bảo An Trường Thịnh 2.0 của Fubon cho phép chấm dứt các sản phẩm tăng cường vào bất kỳ thời điểm nào.

Một số sản phẩm có quy định về Hợp đồng bảo hiểm giảm, tức là bạn không cần phải đóng phí bảo hiểm của hợp đồng này nữa nếu chuyển đổi thành Hợp đồng bảo hiểm giảm. Lúc này công ty bảo hiểm sẽ xem xét giá trị tài khoản hợp đồng của bạn để điều chỉnh số tiền bảo hiểm và các quyền lợi tương ứng.
Sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp Cuộc Sống Tươi Đẹp của Manulife quy định như sau:

Cũng là hình thức này nhưng ở sản phẩm Cuộc Sống Bình An của Prudential gọi là duy trì hợp đồng bảo hiểm với Số tiền bảo hiểm giảm.

Tại sao Trang lại để cách điều chỉnh giảm quyền lợi bảo hiểm ở cuối cùng?
- Thứ nhất, Trang không muốn bạn được bảo vệ ít đi. Việc khó khăn về tài chính chỉ là ngắn hạn. Chắc chắn bạn sẽ sớm vượt qua nó thôi.
- Thứ hai, nếu sau này bạn thêm hoặc tăng quyền lợi bảo hiểm trở lại thì công ty bảo hiểm sẽ thẩm định lại tình trạng sức khỏe. Trang không chắc bạn sẽ còn được bảo vệ đầy đủ và rẻ như lúc đầu.
Một số quy định chung cần lưu ý
Hủy hợp đồng bảo hiểm
Bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm vào bất kỳ thời điểm nào bạn muốn.
Tuy nhiên khi hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, bạn sẽ chịu phí chấm dứt hợp đồng trước hạn. Phí này thường rất cao trong 5 năm đầu tiên của hợp đồng.
Đơn giản như khi bạn đi thuê nhà vậy, nếu bạn không thuê nữa khi hợp đồng chưa hết hạn thì thường là bạn sẽ bị mất cọc, ngược lại nếu chủ lấy lại nhà trước hạn thì cũng phải đền bù cho bạn.
Phí chấm dứt hợp đồng trước hạn của sản phẩm Bộ Đôi Tài Sản (FWD)

Nếu sau một thời gian, bạn ổn định về tài chính và muốn quay lại mua hợp đồng bảo hiểm khác thì sẽ có 2 vấn đề:
- Phí bảo hiểm tính theo độ tuổi mới, sẽ cao hơn.
- Tình trạng sức khỏe có thể không còn như trước, dẫn đến bị tăng phí, loại trừ hoặc từ chối bảo hiểm.
Khôi phục hiệu lực hợp đồng bảo hiểm
Trong thời hạn 24 tháng hoặc 2 năm kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm chấm dứt hiệu lực do không đóng đủ phí bảo hiểm, bạn có thể khôi phục hiệu lực hợp đồng bảo hiểm của mình nếu muốn.

Lúc đó bạn sẽ đóng các khoản phí cần thiết để khôi phục hiệu lực hợp đồng theo quy định của từng sản phẩm.
Công ty bảo hiểm sẽ yêu cầu các thông tin về nhân thân, nghề nghiệp, sức khỏe,… và có thể chấp thuận hoặc không việc khôi phục hiệu lực hợp đồng.
Chú ý: Các sự kiện bảo hiểm xảy ra trong thời gian hợp đồng bảo hiểm mất hiệu lực sẽ không được chi trả.
Lời kết
Giải pháp nào cũng có “cái giá phải trả”, ít nhiều gì cũng ảnh hưởng đến kế hoạch bạn đã đặt ra ban đầu. Nhẹ thì làm giảm số tiền tích lũy được của hợp đồng bảo hiểm. Nặng thì làm hợp đồng chấm dứt sớm hơn thời hạn mong muốn được bảo vệ của bạn.
Ngay từ đầu, bạn nên tham gia một gói bảo hiểm vừa vặn với mình, không nên “quá tay”.
Tham khảo: 5 Lưu ý quan trọng trước khi mua bảo hiểm (chia sẻ chi tiết)
Hiểu sản phẩm bảo hiểm thôi chưa đủ. Một tư vấn viên có hiểu biết sâu rộng về tài chính cá nhân và quản trị rủi ro sẽ thiết kế gói bảo hiểm phù hợp với bạn trong dài hạn.
Trang hy vọng bạn tìm được cách giải quyết hợp lý nhất cho mình qua bài viết này, và quan trọng hơn là sớm “hồi phục kinh tế” để quay lại đóng phí bảo hiểm đầy đủ, đảm bảo tất cả các quyền lợi không chỉ về bảo vệ mà còn tích lũy về sau.
Nếu bạn có cách xử lý nào khác hoặc đã trải nghiệm 1 trong 7 cách đóng phí bảo hiểm nhân thọ ở trên thì hãy chia sẻ ở phần bình luận bên dưới nhé.
No Responses