Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu hoặc chấm dứt hiệu lực: Hậu quả & Giải pháp?

Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu hoặc chấm dứt hiệu lực: Hậu quả & Giải pháp?

Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu & Hợp đồng bảo hiểm bị mất hiệu lực đều dẫn dến hậu quả là bạn KHÔNG được chi trả quyền lợi bảo hiểm như mong đợi.

  • Mua bảo hiểm mà không được chi trả quyền lợi bảo hiểm thì mình tiếp tục đóng phí để làm gì nhỉ?!

Vậy giải pháp nào để đảm bảo hợp đồng bảo hiểm của bạn luôn có hiệu lực, để giúp bạn nhận được đầy đủ quyền lợi như bạn mong muốn?

Trước khi đưa ra giải pháp, Trang sẽ phân tích những trường hợp thực tế hay gặp dẫn đến hợp đồng bảo hiểm vô hiệu hoặc bị chấm dứt hiệu lực.

Như thường lệ, các bài viết của Trang nếu liên quan đến pháp lý trong hợp đồng bảo hiểm thì đều sẽ trích dẫn luật để các bạn tiện tham khảo và kiểm chứng thông tin.

Hậu quả pháp lý

Khi hợp đồng bảo hiểm vô hiệu

Việc xử lý hợp đồng bảo hiểm vô hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự 2015:

Điều 131. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu

1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

Như vậy, hợp đồng bảo hiểm vô hiệu không làm phát sinh nghĩa vụ chi trả quyền lợi bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra. Nói cách khác, hợp đồng vô hiệu cũng không làm phát sinh quyền lợi bảo hiểm của bạn như trong hợp đồng đã ký.

Khi đó doanh nghiệp bảo hiểm sẽ hoàn trả phí bảo hiểm bạn đã đóng, không có lãi, trừ đi các khoản chi phí đã phát sinh và trừ đi bất kỳ khoản quyền lợi nào bạn đã nhận (nếu có).

Khi hợp đồng bảo hiểm chấm dứt hiệu lực

Chấm dứt hiệu lực có nghĩa là ngay từ đầu hợp đồng có hiệu lực, nhưng vì một lý do nào đó mà không còn hiệu lực nữa. Có thể là một trong hai bên tham gia yêu cầu chấm dứt hợp đồng hợp pháp theo luật. Có thể là một đối tượng hay một tình trạng của hợp đồng đã thay đổi, không còn đảm bảo tính hiệu lực của hợp đồng nữa.

Khi hợp đồng bảo hiểm chấm dứt hiệu lực, bạn sẽ nhận được giá trị hoàn lại của hợp đồng tại thời điểm chấm dứt. Nếu hợp đồng mới dưới 5 năm, trong hầu hết các trường hợp khoản tiền bạn nhận lại sẽ ít hơn tổng số phí bạn đã đóng.

Hiển nhiên, nếu sự kiện bảo hiểm xảy ra sau ngày hợp đồng đã mất hiệu lực thì doanh nghiệp bảo hiểm không phải chi trả.

Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu khi nào?

Khoản 1 Điều 22 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong các trường hợp sau đây:

a) Bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm;

b) Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm không tồn tại;

c) Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;

d) Bên mua bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;

đ) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Mục a) nhắc đến khái niệm “quyền lợi có thể được bảo hiểm“. Cụm từ này có thể lạ lẫm với bạn.

Quyền lợi có thể được bảo hiểm là quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng tài sản; quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với đối tượng được bảo hiểm, theo quy định tại Khoản 9 Điều 3 Luật kinh doanh bảo hiểm.

Trong hợp đồng bảo hiểm con người, trong đó có bảo hiểm nhân thọ, quyền lợi có thể được bảo hiểm có thể hiểu là bên mua bảo hiểm phải có mối quan hệ với người được bảo hiểm. Bạn không thể mua hợp đồng bảo hiểm cho bà hàng xóm hay cô em gái mưa được 😀

Khoản 2 Điều 31 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định đối với hợp đồng bảo hiểm con người, bên mua bảo hiểm chỉ có thể mua bảo hiểm cho những người sau đây:

a) Bản thân bên mua bảo hiểm;

b) Vợ, chồng, con, cha, mẹ của bên mua bảo hiểm;

c) Anh, chị, em ruột; người có quan hệ nuôi dưỡng và cấp dưỡng;

d) Người khác, nếu bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm.

Người khác trong mục d) thường gặp là trường hợp doanh nghiệp mua bảo hiểm cho nhân viên.

Ở đây, Trang không bàn về những trường hợp bên mua bảo hiểm cố ý gian dối. Cố ý là biết sai mà vẫn làm để mong trục lợi bảo hiểm. Chắc chắn không phải là bạn đọc của Trang rồi!

Tuy nhiên, dù bạn không hề cố ý, nhưng có thể vì một lý do khách quan nào đó mà vô tình rơi vào các trường hợp làm hợp đồng bảo hiểm vô hiệu như sau:

Không có quyền lợi có thể được bảo hiểm

Hai vợ chồng sống hạnh phúc với nhau đã lâu và có con được vài tuổi. Được đại lý tư vấn bảo hiểm tuyệt vời quá nên chị vợ mua ngay cho anh chồng một hợp đồng để bảo vệ cho người trụ cột tài chính của gia đình.

Người đại lý không ngờ rằng hai người này chưa có giấy chứng nhận kết hôn vì vài lý do đặc biệt. Khổ thay, hồ sơ yêu cầu bảo hiểm lúc đầu cũng không bắt buộc phải nộp các giấy tờ chứng minh mối quan hệ. Nên hợp đồng bảo hiểm vẫn được phát hành nhưng thực chất là không có hiệu lực.

Bạn có thể nghĩ rằng “làm gì có chuyện đó”. Nhưng ví dụ ở trên chính là câu chuyện thật của một người bạn mà Trang quen biết.

Đây không phải là “lỗi” quá nghiêm trọng nhưng chắc chắn sẽ gây cho bạn không ít phiền phức để làm các thủ tục hợp thức hóa hợp đồng bảo hiểm này. Nên ngay từ đầu, bạn có thể chọn bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm cùng là một người cho mọi thứ đơn giản.

Kê khai không đầy đủ

Bạn có thể không kê khai một bệnh mình đã mắc và hồi phục cách đây khá lâu. Vì không bị tái phát nên bạn quên hẳn nó đi.

Bạn từng có vài lần điều trị những bệnh không phải nằm viện lâu ngày, không có chấn thương hay di chứng gì nên bạn cho rằng “bệnh nhẹ” không cần khai. Hoặc bạn nghe người khác nói là không cần khai nên bạn bỏ qua luôn.

Nếu không may khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, doanh nghiệp bảo hiểm tìm được những bằng chứng về bệnh có sẵn của bạn và bệnh này không hề “nhẹ” như bạn tưởng, thì có thể doanh nghiệp bảo hiểm sẽ từ chối chi trả quyền lợi bảo hiểm vì bạn đã vi phạm nghĩa vụ kê khai trung thực.

Ký tên thay

Bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm đều phải trực tiếp ký tên vào hồ sơ yêu cầu bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm là bên giao kết hợp đồng, nên phải ký thì hợp đồng mới có hiệu lực. Tại sao người được bảo hiểm cũng phải ký tên trực tiếp?

Khoản 1 Điều 38 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định “khi bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm con người cho trường hợp chết của người khác thì phải được người đó đồng ý bằng văn bản”.

Như vậy, nếu người được bảo hiểm không trực tiếp ký vào các giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm thì hợp đồng đó không có hiệu lực.

Đây là một trong những “lỗi” thường gặp trong các vụ tranh chấp bảo hiểm thời gian gần đây. Lý do thì muôn hình vạn trạng:

  • Mẹ mua bảo hiểm cho con mà con đi công tác xa nên mẹ tự ký thay cho con.
  • Vợ mua bảo hiểm cho chồng nhưng chồng lại kỳ thị bảo hiểm nên vợ lẳng lặng ký luôn vào chỗ của chồng.
  • Chồng vay tiền ngân hàng bị “mời” mua bảo hiểm, chồng đã có bảo hiểm nên mua cho vợ và ký giùm vợ luôn để nhanh chóng hoàn thành thủ tục giải ngân.
  • ...

Và còn rất nhiều các tình huống khác nữa. Trang gặp những chuyện tương tự như cơm bữa.

Trên báo, bạn cũng có thể gặp những câu chuyện không được chi trả quyền lợi bảo hiểm vì người được bảo hiểm không trực tiếp ký, ví dụ như câu chuyện trên VnExpress dưới đây:

ký thay hợp đồng bảo hiểm vô hiệu
Không được chi trả quyền lợi bảo hiểm vì ký thay – Nguồn: VnExpress

Bạn chú ý phải trực tiếp ký vào mọi giấy tờ khi làm hồ sơ yêu cầu bảo hiểm. Nếu người được bảo hiểm là người thân của bạn, hãy đảm bảo họ cũng trực tiếp ký nhé.

Nếu bạn đang có một hợp đồng nào mà chữ ký chưa chuẩn, thì nên liên hệ công ty bảo hiểm để cập nhật chữ ký cho đúng trước khi sự kiện bảo hiểm xảy ra.

Hợp đồng bảo hiểm mất hiệu lực khi nào?

Điều 23 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định:

Ngoài các trường hợp chấm dứt hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự, hợp đồng bảo hiểm còn chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

1. Bên mua bảo hiểm không còn quyền lợi có thể được bảo hiểm;

2. Bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thười hạn thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

3. Bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm trong thời gian gia hạn đóng phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Trong thực tế, 2 tình huống phổ biến dẫn đến hợp đồng mất hiệu lực là:

Ly hôn hay li dị

Khi giao kết hợp đồng, bên mua bảo hiểm là vợ/chồng của người được bảo hiểm. Một thời gian sau (được bao nhiêu năm thì mình không biết ^_^), đôi trẻ li hôn và trở thành người dưng. Về mặt pháp luật, hai người không còn mối quan hệ vợ chồng nên không thể mua bảo hiểm cho nhau theo Khoản 2 Điều 31 Luật kinh doanh bảo hiểm (đã trích dẫn phía trên).

Hợp đồng bảo hiểm sẽ không còn hiệu lực kể từ thời điểm hai người này hoàn tất thủ tục li hôn.

Lúc này doanh nghiệp bảo hiểm sẽ “hoàn lại phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm mà bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm, sau khi đã trừ các chi phí hợp lý có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm“, theo Khoản 1 Điều 24 Luật kinh doanh bảo hiểm. Tức là bạn sẽ nhận được giá trị hoàn lại tương tự như khi bạn chủ động chấm dứt hợp đồng bảo hiểm.

Không đóng đủ phí bảo hiểm

đóng phí bảo hiểm duy trì hợp đồng

Để duy trì hiệu lực hợp đồng bảo hiểm thì hiển nhiên là chúng ta phải có nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm. Nếu bạn không đảm bảo nghĩa vụ đóng phí thì phía công ty bảo hiểm không có nghĩa vụ phải đảm bảo quyền lợi cho bạn. Cái này dễ hiểu ha 🙂

Bạn luôn có 60 ngày gia hạn đóng phí. Thời điểm bắt đầu tính 60 ngày này phụ thuộc vào điều khoản sản phẩm bảo hiểm bạn mua và tình trạng hợp đồng của bạn. Bạn nên gọi hotline của công ty bảo hiểm để được biết chính xác.

Sau thời hạn 60 ngày này mà phí bảo hiểm vẫn không được đóng đủ thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng, bên mua bảo hiểm không có quyền đòi lại khoản phí bảo hiểm đã đóng nếu thời gian đã đóng phí bảo hiểm dưới hai năm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.” theo Khoản 2 Điều 24 Luật kinh doanh bảo hiểm.

Như vậy, nếu hợp đồng bảo hiểm bị chấm dứt trong vòng 2 năm đầu do không đóng đủ phí thì bên mua bảo hiểm sẽ không nhận lại gì hết. Gọi là “chia tay không đòi quà” nhé 🙂

Sau 2 năm mà hợp đồng bảo hiểm bị chấm dứt hiệu lực do không đóng đủ phí thì bên mua bảo hiểm sẽ được nhận giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm. Khoản 3 Điều 24 Luật kinh doanh bảo hiểm nói như thế.

Kinh nghiệm tham gia bảo hiểm bảo đảm quyền lợi

Tham khảo ngay: Quy tắc 5K phòng chống hợp đồng bảo hiểm vô hiệu / mất hiệu lực

Trong các “lỗi” thường gặp dẫn đến hợp đồng bảo hiểm bị vô hiệu hay mất hiệu lực kể trên thì “lỗi” không có quyền lợi có thể được bảo hiểm và lỗi ký thay rất dễ khắc phục. Khi bạn đã đọc bài viết này rồi thì Trang tin chắc rằng bạn không thể nào làm sai các “lỗi” đó.

Riêng các “lỗi” còn lại thì Trang có một số kinh nghiệm cho bạn như sau:

Ly hôn phải làm sao?

Trong trường hợp ly hôn, trước khi hoàn tất thủ tục ly hôn, bạn có thể thông báo cho công ty bảo hiểm và yêu cầu chuyển bên mua bảo hiểm sang cho chính người được bảo hiểm hoặc người khác có quyền lợi có thể được bảo hiểm (hay còn gọi là chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm).

Ví dụ, ban đầu bên mua bảo hiểm là vợ, người được bảo hiểm là chồng, thì làm thủ tục chuyển thành bên mua bảo hiểm mới chính là người chồng luôn (anh ta có thể mua bảo hiểm cho bản thân), hoặc cho con ruột nếu con đủ 18 tuổi trở lên (bên mua bảo hiểm phải từ 18 tuổi).

Tuy nhiên trong thực tế có những câu chuyện dở khóc dở cười kiểu lúc anh đồng ý thì ả không chịu, tới khi ả xuôi thì anh lại dỗi không làm nữa (cũng phải mâu thuẫn ghê lắm mới li hôn chứ, nên đến lúc này bất đồng ý kiến là bình thường), dẫn đến không chuyển đổi bên mua bảo hiểm được. Như vậy, hợp đồng phải chấm dứt.

Để tránh rắc rối về sau, Trang thật lòng khuyên bạn hãy sống theo phương châm “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”, tức là bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm nên cùng là một người, tránh trường hợp mua chéo (vợ là bên mua, chồng là người được bảo hiểm và ngược lại).

Làm thế nào để không quên đóng phí?

Bạn có thể áp dụng các cách sau:

  • Đặt lịch trong điện thoại, email để nhắc hạn đóng phí.
  • Thiết lập lệnh chuyển tiền phí bảo hiểm tự động theo định kỳ.
  • Theo dõi tài khoản hợp đồng bảo hiểm định kỳ để kịp thời đóng phí nếu giá trị tài khoản thấp.
  • Sử dụng dịch vụ Quản lý hợp đồng của công ty chuyên cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Bảo đảm kê khai không thiếu sót

kê khai đầy đủ trung thực hợp đồng bảo hiểm

Phần kê khai hay mắc “lỗi” nhất là các câu hỏi liên quan đến sức khỏe.

Bạn có thể quên mất một bệnh có sẵn đã được chữa khỏi từ rất lâu và không bị tái phát lại gần đây. Chính bản thân Trang cũng từng bị lỗi này khi làm hợp đồng bảo hiểm nhân thọ lần đầu tiên cách đây vài năm khi còn là một khách hàng bình thường chưa có chuyên môn về bảo hiểm.

Sau này khi đã làm bảo hiểm chuyên nghiệp, Trang gặp rất nhiều câu chuyện liên quan đến “lỗi” kê khai sức khỏe này, dẫn đến phát sinh tranh chấp khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra.

Lời khuyên dành riêng cho bạn là:

  • Tìm lại tất cả các hồ sơ bệnh án còn lưu: bản giấy hoặc trong các ứng dụng của bệnh viện, phòng khám… mà bạn đã từng thăm khám.
  • Trao đổi với người nhà để nhắc cho bạn những lần thăm khám, điều trị mà có thể bạn không nhớ ra.
  • Sử dụng dịch vụ Xác nhận giao kết hợp đồng bảo hiểm của tư vấn viên độc lập có chuyên môn và nghiệp vụ để đảm bảo bạn không bỏ sót bất kỳ thông tin nào cần thiết phải khai báo.

Trang mong là qua bài viết này, bạn đã hiểu về những trường hợp có thể làm hợp đồng bảo hiểm của bạn vô hiệu hoặc mất hiệu lực mà hậu quả là bạn sẽ không nhận được quyền lợi như mong muốn. Hy vọng bạn cũng đã có thêm kinh nghiệm để tránh được những trường hợp này.

Hãy chia sẻ nếu bạn thấy bài viết này hữu ích nhé! Và đừng quên gửi cho Trang những ý kiến của bạn ở phần bình luận bên dưới.

Tham gia thảo luận