“Các nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ” nghe có vẻ là kiến thức chuyên môn dành cho những người đang làm việc trong ngành bảo hiểm.
Nếu bạn chỉ là người muốn tìm hiểu và mua cho mình một chiếc hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thì có cần phải quan tâm các nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ là gì?
Nên biết chút chút nha!
Không cần hiểu quá sâu sắc về các nghiệp vụ bảo hiểm này, nhưng bạn nên có ý niệm về sự tồn tại của nhiều loại bảo hiểm nhân thọ khác nhau, phù hợp cho nhiều mục đích khác nhau, tại những thời điểm khác nhau trong cuộc đời bạn.
Vì nếu không thì bạn có thể sẽ như:
– Một cô bạn của Trang đang nợ tiền ngân hàng 700 triệu (vay mua nhà) nhưng lại mua 1 cái bảo hiểm đóng phí hẳn 25 triệu / năm với số tiền bảo hiểm nhận được khi tử vong chỉ hơn 1/3 số nợ, nếu không tử vong thì 15 năm sau nhận được cũng không quá nhiều so với tổng phí đã đóng.
Ủa ủa đang nợ đầm nợ đìa thì phải ưu tiên trả nợ trước khi tiết kiệm chứ. Và cần mua bảo hiểm có mệnh giá khi tử vong to ít nhất bằng cái cục nợ.
– Một người em Trang quen được tư vấn một gói bảo hiểm đầu tư liên kết đơn vị đang rất hot, mặc dù bạn này không hề có mong muốn đầu tư, chỉ muốn tối ưu việc bảo vệ với mức phí thấp nhất có thể.
Ban đầu bạn này nghĩ bảo hiểm chỉ có một thứ, khác nhau chỉ là thương hiệu công ty bảo hiểm. Rất may là bạn đã nhớ ra bà chị chuyên viết bài về bảo hiểm có vẻ cũng hiểu biết, nên đã liên hệ Trang và được thông não kịp thời.
Nội dung
Các nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ
Nhân là người; thọ là tuổi thọ, tính mạng. Nên nghe qua cũng biết bảo hiểm nhân thọ là chính loại nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống hoặc chết.
Luật kinh doanh bảo hiểm quy định các nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ bao gồm 7 nghiệp vụ sau:
- Bảo hiểm tử kỳ
- Bảo hiểm sinh kỳ
- Bảo hiểm hỗn hợp
- Bảo hiểm trả tiền định kỳ
- Bảo hiểm trọn đời
- Bảo hiểm hưu trí
- Bảo hiểm liên kết đầu tư
Let’s go! Cùng khám phá các anh em trong đại gia đình bảo hiểm nhân thọ nào.
1. Bảo hiểm tử kỳ
Bảo hiểm tử kỳ là nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm chết trong một thời hạn nhất định, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng, nếu người được bảo hiểm chết trong thời hạn được thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Tử là chết, kỳ là thời hạn. Dễ dàng đoán được loại bảo hiểm này chi trả cho trường hợp chết trong thời hạn hợp đồng. Nếu không chết thì thôi, không được trả gì hết đâu nhé. Tức là không có quyền lợi đáo hạn, không có giá trị hoàn lại.
Bảo hiểm tử kỳ không có yếu tố tiết kiệm hay đầu tư, chỉ tập trung là nhiệm vụ cơ bản của bảo hiểm nhân thọ là bảo vệ rủi ro tính mạng mà thôi. Cho nên phí của loại này là rẻ nhất so với các anh em nhân thọ khác.
Bảo hiểm tử kỳ có thời hạn nhất định, có thể từ vài tháng đến vài năm.
Chú bảo hiểm này tưởng chừng như đơn giản, nhưng trong thực tế lại có rất nhiều biến thể phù hợp với nhiều mục đích khác nhau của người dùng.
- Bảo hiểm tử kỳ cố định
- Bảo hiểm tử kỳ tăng dần
- Bảo hiểm tử kỳ giảm dần
- Bảo hiểm tử kỳ có thể tái tục
- Bảo hiểm tử kỳ có thể chuyển đổi
- Bảo hiểm tử kỳ thu nhập gia đình
Mời bạn tham khảo kỹ hơn ở đây: Bảo hiểm tử kỳ là gì? 5 Kiểu người nên mua bảo hiểm tử kỳ.
Hiện nay, khi hỏi mua bảo hiểm, thường bạn sẽ được giới thiệu các sản phẩm đầu tư. Nhưng thực tế hầu hết các công ty bảo hiểm nhân thọ đều có sản phẩm bảo hiểm tử kỳ:
Ví dụ:
– Bảo hiểm tử kỳ Manulife An Tâm Vui Sống
– Bảo hiểm tử kỳ dư nợ tín dụng của Chubb life
– Đại Gia An Phúc của Dai-ichi
2. Bảo hiểm sinh kỳ
Bảo hiểm sinh kỳ là nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống đến một thời hạn nhất định, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng, nếu người được bảo hiểm vẫn sống đến thời hạn được thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Nói vui là bạn mua một cái bảo hiểm sinh kỳ rồi thì dù có buồn đau thất bại gì cũng phải cố mà sống cho hết thời hạn bảo hiểm mới được trả tiền. Nếu nửa đường đứt gánh thì công ty bảo hiểm sẽ không trả gì cả.
Thực chất đây là một hình thức tiết kiệm có kỷ luật cho những mục tiêu trong tương lai.
Cho đến nay Trang chưa được biết trên thị trường có sản phẩm bảo hiểm sinh kỳ đơn thuần nào hay không. Cùng chung mục đích tiết kiệm và bảo hiểm cho trường hợp sống, trong thực tế thường gặp sản phẩm bảo hiểm trả tiền định kỳ hơn.
3. Bảo hiểm trả tiền định kỳ
Bảo hiểm trả tiền định kỳ (hay bảo hiểm niên kim) là nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống đến một thời hạn nhất định, sau thời hạn đó doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm định kỳ cho người thụ hưởng theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Thời hạn của bảo hiểm trả tiền định kỳ chia thành 2 giai đoạn: tích lũy và niên kim. Từ một thời điểm nào đó theo thỏa thuận, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả một khoản tiền theo định kỳ (niên kim).
Bảo hiểm trả tiền định kỳ chi trả cho trường hợp sống, có nghĩa là việc người được bảo hiểm chết tương ứng với việc chấm dứt nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm.
Để tránh thiệt thòi cho bên tham gia bảo hiểm khi không may người được bảo hiểm tử vong sớm thì một số bảo hiểm trả tiền định kỳ có thêm điều khoản hoàn phí hoặc chuyển hồi.
– Hoàn phí: Nếu người được bảo hiểm chết thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ hoàn phí bảo hiểm cho người thừa kế hợp pháp của người được bảo hiểm.
– Chuyển hồi: Nếu người được bảo hiểm chết thì các khoản niên kim chưa nhận sẽ được sẽ được chuyển cho người thụ hưởng khác.
Tùy theo cách thức chi trả, có nhiều loại bảo hiểm niên kim:
- Niên kim trả ngay – Niên kim trả sau
- Niên kim trả có thời hạn – Niên kim trọn đời
- Niên kim đầu kỳ – Niên kim cuối kỳ
- Niên kim cố định – Niên kim biến đổi
Nghiệp vụ trả tiền định kỳ có thể kết hợp trong một sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp như:
– Prudential Khởi Đầu Linh Hoạt
4. Bảo hiểm hỗn hợp
Bảo hiểm hỗn hợp là nghiệp vụ bảo hiểm kết hợp bảo hiểm sinh kỳ và bảo hiểm tử kỳ.
Ồ vậy là sống cũng có tiền, chết cũng được tiền! Bảo hiểm thế này thì mua là bao lời luôn?! 🙂
Phí bảo hiểm thường đóng định kỳ và không thay đổi trong suốt thời hạn hợp đồng. Thời hạn bảo hiểm có thể là 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm hoặc dài hơn, thậm chí có loại trọn đời.
Bảo hiểm hỗn hợp là dạng hợp đồng có giá trị hoàn lại hay còn gọi là giá trị giải ước.
Có 2 dạng bảo hiểm hỗn hợp phổ biến là:
- Bảo hiểm hỗn hợp không chia lãi: Số tiền bảo hiểm cố định, được trả vào ngày đáo hạn hợp đồng hoặc khi người được bảo hiểm tử vong.
- Bảo hiểm hỗn hợp có tham gia chia lãi: Trong hợp đồng sẽ nhắc đến “bảo tức” / “lãi chia tích lũy” / “lãi chia cuối hợp đồng“. Những khoản lãi này không được đảm bảo mà phụ thuộc vào kết quả hoạt động của Quỹ chủ hợp đồng có tham gia chia lãi. Đây là quỹ tạo nên từ phí đóng của các hợp đồng bảo hiểm có tham gia chia lãi.
Trước khi bảo hiểm liên kết đầu tư ra đời thì bảo hiểm hỗn hợp “rất được lòng” người mua bảo hiểm vì đặc tính bảo hiểm cho cả 2 sự kiện trái ngược: chết và sống, đồng thời có cả 2 yếu tố bảo vệ và tiết kiệm.
Một số sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp nổi bật:
– Prudential Tương Lai Tươi Sáng chuẩn bị học vấn cho con.
– An Phúc Hưng Lộc của AIA thời hạn 15 năm đóng phí 10 năm.
5. Bảo hiểm hưu trí
Bảo hiểm hưu trí là nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm đạt đến độ tuổi xác định được doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Đúng như tên gọi, bảo hiểm này sẽ “trả lương hưu” cho bạn khi về già. Già là bao nhiêu tuổi thì do bạn thỏa thuận với doanh nghiệp bảo hiểm, nhưng tổi thiểu phải là 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi với nam.
Phần “lương hưu” sẽ được trả nhiều lần, tối thiểu phải trong 15 năm theo quy định của luật pháp hiện hành.
Ngoài phần quyền lợi hưu trí định kỳ, bạn còn được bảo vệ trước rủi ro cao nhất là tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn và có được trợ cấp mai táng.
Bảo hiểm hưu trí thông thường do chủ sử dụng lao động mua cho người lao động nhằm cung cấp thu nhập bổ sung cho người lao động khi về hưu.
Trong trường hợp bạn được công ty nơi mình làm mua bảo hiểm hưu trí, sau đó bạn nghỉ việc, thì bạn có thể chuyển sang hợp đồng hưu trí cá nhân, hoặc chuyển đổi sang hợp đồng hưu trí nhóm của nơi làm việc mới.
Hưu trí an nhàn luôn là mong ước của mọi người nên công ty bảo hiểm nhân thọ nào cũng có những gói hưu trí hấp dẫn:
– Bảo hiểm hưu trí Manulife Tương Lai Vững Vàng
– Bảo hiểm hưu trí Bảo Việt Hưu Trí An Khang
– Bảo hiểm hưu trí Prudential Phú-An Thịnh Hưu Trí
6. Bảo hiểm trọn đời
Bảo hiểm trọn đời là nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm chết vào bất kỳ thời điểm nào trong suốt cuộc đời của người đó.
Đây cũng là một cái bảo hiểm mà mua là chắc chắn có lời 😀 Vì ai rồi cũng chết mà thôi.
(Ai rồi cũng chết! là một tuyệt phẩm đánh động lòng người được viết nên bởi bác sĩ kiêm tác giả best-seller Atul Gawande, nói về tuổi già và cái chết.)
Đối với bảo hiểm trọn đời, thời hạn bảo hiểm không xác định, từ khi hợp đồng phát hành đến khi người được bảo hiểm tử vong.
Thường thì nghiệp vụ này không đứng đơn lẻ mà kết hợp với một nghiệp vụ bảo hiểm khác như là bảo hiểm hỗn hợp hay bảo hiểm liên kết đầu tư.
7. Bảo hiểm liên kết đầu tư
Bảo hiểm liên kết đầu tư chính là vừa bảo hiểm vừa đầu tư. Phí bảo hiểm của bạn sẽ chia thành 2 phần: bảo vệ & đầu tư.
Trong nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư lại chia ra thành 2 loại là bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đơn vị. Hai loại này cơ bản giống nhau về nguyên lý hoạt động, chỉ khác ở cách thức đầu tư của phần phí bảo hiểm được đem đi đầu tư.
7.1. Bảo hiểm liên kết chung
Đối với bảo hiểm liên kết chung, phần phí bảo hiểm đầu tư được phân bổ vào một quỹ chung
Bảo hiểm liên kết chung hiện đang chiếm thị phần lớn nhất, và áp đảo tất cả các dòng sản phẩm khác, vì đáp ứng được cả nhu cầu bảo hiểm và đầu tư của khách hàng, mà không đòi hỏi khách hàng phải có chút ít kiến thức đầu tư như bảo hiểm liên kết đơn vị.
Tất cả các công ty bảo hiểm nhân thọ đều có vài sản phẩm liên kết chung.
Một số gói bảo hiểm liên kết chung nổi bật hiện nay:
– Bảo Việt: An Khang Hạnh Phúc (trọn đời), An Phát Cát Tường (thời hạn 20 năm, có thể đóng phí 5 năm)
– Manulife: Hành Trình Hạnh Phúc
– AIA: An Phúc Trọn Đời Ưu Việt
– Prudential: PRU-Bảo Vệ Tối Ưu, PRU_Chủ Động Cuộc Sống
– Dai-ichi: An Tâm Hưng Thịnh Toàn Diện, An Tâm Song Hành
– FWD: Đón Đầu Thay Đổi 3.0
– Generali: VITA Sống Tự Tin
– Hanwha Life: An Khang Tài Lộc, Tôi Chọn An Yên
– Fubon: Phúc Bảo An Trường Thịnh 2.0
– Sunlife: Sống Tinh Hoa
7.2. Bảo hiểm liên kết đơn vị
Đối với bảo hiểm liên kết đơn vị, phần phí bảo hiểm được đầu tư, thay vì phân bổ vào một Quỹ liên kết chung, thì được đầu tư vào các Quỹ khác nhau của công ty bảo hiểm thông qua việc mua đơn vị quỹ của các Quỹ này.
Mỗi công ty có 3-6 quỹ khác nhau, với mức độ sinh lời khác nhau tùy thuộc danh mục đầu tư của từng quỹ. Ví dụ quỹ chủ yếu đầu tư vào cổ phiếu sẽ có khả năng sinh lời cao hơn so với quỹ tập trung vào trái phiếu chính phủ.
Tuy nhiên lợi nhuận nào thì rủi ro nấy. Lợi nhuận cao rủi ro cao và ngược lại.
Bạn là người quyết định mua bán các đơn vị quỹ với công ty bảo hiểm và nhận toàn bộ kết quả đầu tư của các quỹ này. Không có cam kết lãi suất tối thiểu như bảo hiểm liên kết chung. Nói đơn giản là “lời ăn lỗ chịu”.
Dòng sản phẩm này có thể giúp bạn tham gia đầu tư với số vốn nhỏ và đạt được mức lãi cao hơn ngân hàng, chỉ cần bạn có một chút am hiểu về đầu tư quỹ mở.
Trang khuyến khích các bạn còn trẻ tuổi cân nhắc tham gia một sản phẩm kiểu này. Nếu chưa biết gì về đầu tư, bạn có thể học rất dễ dàng nhờ youtube, google.
Các bạn tuổi không còn trẻ lắm như Trang, nhưng còn chịu khó học hỏi và có khả năng chấp nhận rủi ro cũng hoàn toàn có thể tham gia loại sản phẩm này.
Bảo hiểm liên kết đơn vị hiện còn rất mới đối với các khách hàng ở Việt Nam. Cho đến nay (10/2021), chỉ có 7 công ty bảo hiểm đã triển khai sản phẩm liên kết đơn vị:
– Manulife: Điểm Tựa Đầu Tư (2017), Món Quà Tương Lai (2021)
– Prudential: Đầu Tư Linh Hoạt (2018)
– AIA: INVESTA (2017), Bước Tới Tương Lai (2021)
– Dai-ichi: An Thịnh Đầu Tư (2016)
– Generali: VITA Sống Thịnh Vượng (2019), VITA Đầu Tư Như Ý (2021)
– Sunlife: Sống Sung Túc (2020)
– FWD: Bộ Đôi Tài Sản (2021)
Lời kết
Bạn thấy đó, các sản phẩm bảo hiểm rất đa dạng và mỗi sản phẩm sẽ phù hợp với một nhóm đối tượng khách hàng có nhu cầu nhất định.
- Bạn chỉ muốn đơn thuần bảo vệ, không tiết kiệm hay đầu tư, với mức phí rẻ nhất. -> Bảo hiểm tử kỳ.
- Bạn muốn chuẩn bị cho tương lai học vấn của con cái. -> Bảo hiểm hỗn hợp thời hạn đóng phí đúng bằng thời gian từ đây đến khi con bạn 18 tuổi.
- Bạn muốn tự trả “lương hưu” cho bản thân. -> Bảo hiểm hưu trí.
- Bạn vừa muốn được bảo hiểm vừa muốn đầu tư tích lũy. -> Bảo hiểm liên kết chung hay liên kết đơn vị tùy khẩu vị rủi ro của bạn.
- …
Nếu thấy bài viết này có ích thì bạn hãy chia sẻ thật rộng rãi nhé. Và để lại bình luận bên dưới cho Trang biết suy nghĩ của bạn về bài viết này.