Bảo hiểm trùng: Mua bảo hiểm ô tô 2 lần cho một xe có được đền gấp đôi?

Bảo hiểm trùng: Mua bảo hiểm ô tô 2 lần cho một xe có được đền gấp đôi?

– Nếu mình mua bảo hiểm ô tô 2 lần cho một xe, thì khi không may xảy ra sự cố, công ty bảo hiểm có bồi thường gấp đôi không?

– KHÔNG!

– Ủa ủa, sao tui đóng phí gấp đôi mà không được đền gấp đôi? Vô lý!!!

– Ờ, tui biết. Nhưng mà… từ từ giải thích cho nghe.

Bảo hiểm trùng là gì?

Một cái xe mà mua cùng một loại bảo hiểm 2 lần, ví dụ bảo hiểm vật chất xe (bảo hiểm thân vỏ) thì đó là bảo hiểm trùng.

Theo quy định tại khoản 1 điều 44 Luật kinh doanh bảo hiểm: “Hợp đồng bảo hiểm trùng là trường hợp bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm với 2 doanh nghiệp bảo hiểm trở lên để bảo hiểm cho cùng một đối tượng, với cùng điều kiện và sự kiện bảo hiểm”.

Bảo hiểm trùng áp dụng cho đối tượng bảo hiểm là tài sản và trách nhiệm dân sự mà thôi, không áp dụng đối với con người.

Pháp luật hiện hành không cấm bên tham gia bảo hiểm mua bảo hiểm trùng.

Nếu bảo hiểm trùng thì bồi thường như thế nào?

Tiếp tục điều 44 Luật kinh doanh bảo hiểm, khoản 2 quy định: “Trong trường hợp các bên giao kết hợp đồng bảo hiểm trùng, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, mỗi doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường theo tỷ lệ số tiền bảo hiểm trên tổng số tiền bảo hiểm của tất cả các hợp đồng mà bên mua bảo hiểm đã giao kết.

Tổng số tiền bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm không vượt quá giá trị thiệt hại thực tế của tài sản.”

bảo hiểm trùng bồi thường như thế nào
Bảo hiểm trùng bồi thường tối đa không vượt quá thiệt hại thực tế.

Ví dụ: Nhà bạn có con xe 2 tỷ. Bạn đã mua bảo hiểm vật chất cho nó mệnh giá 2 tỷ rồi nhưng quên chưa nói với vợ. Nào ngờ vợ bạn cũng đã mua một cái bảo hiểm vật chất khác với số tiền bảo hiểm 1.9 tỷ. Không may va quệt tổn thất hết 400 triệu đồng. Vậy giờ bạn được bồi thường thế nào?

Cho rằng hai hợp đồng bảo hiểm đều có điều kiện bảo hiểm như nhau. Như vậy xe của bạn đã được bảo hiểm trùng ở 2 công ty bảo hiểm với tổng số tiền bảo hiểm là 3.9 tỷ đồng, trong đó công ty thứ nhất chịu trách nhiệm 2 tỷ / 3.9 tỷ = 51.3%, công ty thứ hai chịu trách nhiệm 1.9 tỷ / 3.9 tỷ = 48.7%.

Công ty bảo hiểm thứ nhất sẽ bồi thường 205 triệu đồng (51.3% số tiền 400 triệu đồng), công ty bảo hiểm thứ hai bồi thường 195 triệu đồng (48.7% số tiền 400 triệu đồng). Tổng cộng bạn sẽ nhận được đúng thiệt hại thực tế là 400 triệu đồng không được nhận hơn.

Riêng bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc (là cái tờ màu vàng vàng đưa cho các chú công an kiểm tra đó), nếu xảy ra tình huống bảo hiểm trùng thì bên nào bán bảo hiểm trước sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường, các bên bán sau sẽ hoàn phí cho người mua.

Chốt lại, mua 2 hay nhiều bảo hiểm cùng loại cho một cái xe thì cũng chỉ được bồi thường như mua 1 cái bảo hiểm thôi. Các loại bảo hiểm tài sản khác cũng vậy.

Tại sao bảo hiểm trùng không bồi thường hết các hợp đồng?

– Biết là pháp luật quy định như vậy. Nhưng sao tui vẫn thấy vô lý không chịu được. Tui đã đóng tiền phí bảo hiểm ngang với giá trị bảo hiểm, tui phải được nhận quyền lợi tương xứng chứ!

– Bản chất của bảo hiểm là công cụ hỗ trợ tài chính cho chúng ta khi gặp rủi ro, không phải công cụ đầu tư sinh lợi nhuận.

Bảo hiểm tài sản và bảo hiểm trách nhiệm dân sự chi trả theo nguyên tắc bồi thường, nghĩa là cố gắng hoàn trả lại cho bạn tình trạng tài chính như trước khi xảy ra rủi ro. Nên tổn thất thực tế bao nhiêu thì bảo hiểm hỗ trợ tối đa bấy nhiêu, không hơn. Bạn hư xe tốn 400 triệu để sửa chữa thì sẽ được bù lại 400 triệu đó.

Bạn không thể có cơ hội kiếm lời từ rủi ro, nếu không sẽ có nguy cơ đạo đức xảy ra. Giả sử bạn mua 2 bảo hiểm mà được trả cả 2 thì bạn vừa có tiền sửa xe lại vừa dư ra 400 triệu là số tiền lớn hơn mấy chục lần số phí bảo hiểm bạn đã đóng. Lúc này bạn có cẩn thận khi lái xe, hay là bạn sẽ mặc kệ nó vì va quệt hỏng hóc là bạn sẽ bỏ túi một mớ tiền. Một số thậm chí sẽ nghĩ đến việc cố tình phá hủy xe và dàn dựng hiện trường giả để nhận được tiền bảo hiểm.

Chỉ có con người là vô giá, không tính được thiệt hại nên có thể mua nhiều bảo hiểm nhân thọ cho cùng một người mà vẫn được chi trả tất cả các hợp đồng.

Lời kết

Như vậy, bạn lưu ý khi mua bảo hiểm ô tô hay các bảo hiểm tài sản khác, không nên mua bảo hiểm trùng vì sẽ chỉ mất phí nhiều hơn chứ không được chi trả nhiều hơn.

Tham gia thảo luận